Liên tục tăng vốn nóng, đầu tư lĩnh vực hot, lợi nhuận hệ sinh thái Bamboo Capital ra sao?
Kết thúc quý III/2023, Bamboo Capital có doanh thu thuần đạt 1.017,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9,1 tỷ đồng, giảm lần lượt 13,5% và 76,9% so cùng kỳ năm trước
Bamboo Capital (HoSE: BCG) là một cái tên mới nổi trên thị trường bất động sản và năng lượng của Việt Nam. BCG được thành lập từ năm 2011, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo (chủ đạo là BCG Energy); sản xuất, thương mại và nông nghiệp (chủ đạo là Nguyễn Hoàng); xây dựng và cơ sở hạ tầng (chủ đạo là Tracodi). Đặc biệt những năm gần đây là bất động sản (chủ đạo là BCG Land).
Trong giai đoạn 2021-2022, BCG thực hiện thêm 2 thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) đối với AAA (mảng bảo hiểm) và Tipharco (mảng dược phẩm và y tế).
Để có vốn thực hiện các thương M&A trên, BCG liên tục tăng vốn nóng, nhất là trong giai đoạn 2020-2022. Từ số vốn 1.370 tỷ đồng thời điểm tháng 9/2020, đến tháng 9/2022 BCG đã 6 lần thực hiện tăng vốn và hiện đạt 5.334 tỷ đồng, tương đương mức tăng xấp xỉ 4 lần chỉ trong 2 năm. Đặc biệt, nếu tính từ mốc thời điểm 10 năm trước, BCG đã tăng hơn 240 lần.
Ngoài phát hành cổ phiếu, BCG còn thực hiện tăng vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ TPDN của BCG là 7.533 tỷ đồng, chiếm đến 50% nợ vay tài chính là 14.935 tỷ đồng. Các đợt phát hành TPDN của BCG bao gồm nhiều công ty thuộc “hệ sinh thái” Bamboo Capital như BCG Energy, BCG Land.
Kết thúc quý III/2023, Bamboo Capital có doanh thu thuần đạt 1.017,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9,1 tỷ đồng, giảm lần lượt 13,5% và 76,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bamboo Capital ghi nhận đạt 184,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 28,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Cơ cấu doanh thu trong quý III/2023 của doanh nghiệp ghi nhận mảng bất động sản giảm xuống chỉ chiếm 22,6%; mảng năng lượng tăng từ 28,7% lên 31,9%; mảng xây dựng - hạ tầng cũng tăng tỉ trọng từ 27,8% lên 31,7% và mảng dịch vụ tài chính - bảo hiểm tăng tỉ trọng từ 6,8% lên 9%.
Đáng chú ý, mảng năng lượng điện với sản lượng điện Quý 3 đạt 197,5 triệu kWh, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng đến từ dự án Cánh đồng năng lượng mặt trời Phù Mỹ.
Tính đến hết quý III/2023, tổng tài sản Bamboo Capital đạt 42.976,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,9% so với thời điểm đầu năm 2023.
Cổ phiếu BCG Energy tăng trước IPO
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc hoán đổi tài sản để bảo đảm cho khoản tín dụng của các công ty con bao gồm Công ty CP Năng lượng Dương Phong và Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tradico) phát sinh tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).
Cụ thể, HĐQT Bamboo Capital đã thống nhất dùng 5,6 triệu cổ phần nắm giữ trực tiếp tại CTCP BCG Energy - công ty con do Bamboo Capital nắm trên 82% vốn - thay thế cho 7,43 triệu cổ phần BCG Energy khác thuộc sở hữu của các cá nhân làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng phát sinh tại NamABank.
Trong đó, 1 triệu cổ phần BCG Energy thuộc sở hữu của Bamboo Capital sẽ là tài sản thay thế cho 1,43 triệu cổ phần BCG Energy thuộc sở hữu của ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc điều hành, làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Dương Phong tại ngân hàng.
Tương tự, 4,6 triệu cổ phần BCG Energy còn lại do Bamboo Capital nắm giữ trực tiếp được dùng làm tài sản thay thế cho 6 triệu cổ phần BCG Energy do bà Hoàng Thị Minh Châu, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, đứng tên làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng NamABank phát sinh với Tradico.
Đáng chú ý, tại cả 2 giao dịch hoán đổi tài sản bảo đảm này, đơn giá ngân hàng đưa ra cho mỗi cổ phiếu BCG Energy đã tăng từ 10.000 đồng/cp lên 18.500 đồng/cp.
Với việc tăng định giá cổ phần lên gần gấp đôi, đồng nghĩa với việc NamABank chấp nhận giảm lượng cổ phần BCG Energy đang thế chấp tại ngân hàng.
Việc cổ phần BCG Energy dùng làm tài sản bảo đảm được ngân hàng tăng gần gấp đôi định giá diễn ra trong bối cảnh Bamboo Capital từng công bố kế hoạch IPO công ty phụ trách mảng năng lượng này nhưng chưa thể thực hiện theo đúng kế hoạch.
Cụ thể, chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cập nhật tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Bamboo Capital, cho biết trong một năm qua, công ty đã làm việc với đối tác KPMG Singapore liên quan vấn đề IPO mảng năng lượng tái tạo do BCG Energy phụ trách.
Theo kế hoạch, công ty sẽ hoàn thiện hồ sơ, sau đó nộp lên UPCoM trong quý II năm nay. Cùng với đó, Bamboo Capital sẽ làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để huy động vốn. Công ty này đặt kỳ vọng việc hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý liên quan các dự án điện sẽ hỗ trợ tập đoàn huy động vốn từ nhà đầu tư.
Về tình hình tài chính của BCG Energy, theo báo cáo tóm tắt gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đến cuối tháng 6 năm nay, vốn chủ sở hữu hợp nhất của doanh nghiệp này đạt gần 7.036 tỷ đồng, tăng 12% so với một năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 1,8 lần, cũng giảm so với mức 2,36 lần ở thời điểm tháng 6/2022.
Với hệ số kể trên, BCG Energy đang có nợ phải trả vào khoảng 12.665 tỷ đồng và tổng tài sản là 19.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất nửa đầu năm nay của công ty năng lượng này chỉ đạt chưa đầy 8,5 tỷ đồng, giảm hơn 97% so với cùng kỳ năm 2022.
Lợi nhuận BCG Land giảm
Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu cho BCG Land. Hiện công ty đang tiếp tục các thủ tục để giao dịch trên Upcom.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 cho thấy, CTCP BCG Land đạt doanh thu thuần 230 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Giá vốn, chi phí tăng, do đó, công ty báo lãi sau thuế 11,7 tỷ đồng, giảm 65%.
Theo BCG Land, trong quý, doanh thu bàn giao các dự án bất động sản giảm so với cùng kỳ năm ngoái là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận nói trên.
Trong cơ cấu doanh thu, đóng góp chủ yếu là từ chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua bán bất động sản, đạt 219 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty cũng có doanh thu từ cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch và các dịch vụ liên quan, cũng như có doanh thu từ tư vấn quản lý và phát triển dự án, song đều ghi nhận sự sụt giảm.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của BCG Land trong quý với hơn 169 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, phần lớn là khoản lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BCG Land đạt doanh thu thuần 583 tỷ đồng và lãi sau thuế 136 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 76% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của BCG Land đạt 12.537 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu 6.358 tỷ đồng, giảm 9,8%.
Trong các khoản phải thu nói trên, gần 4.795 tỷ đồng là các khoản phải thu dài hạn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với các đối tác nhằm hợp tác phát triển các dự án bất động sản tại TP HCM, Hội An, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đắk Nông.
Giá trị hàng tồn kho của BCG Land tại ngày 30/9 là 3.505 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, chủ yếu do có thêm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp (hay dự án Hội An D’or) gần 1.055 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án này tại ngày 30/9 là gần 570 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Bamboo Capital (công ty mẹ của BCG Land), hiện, dự án này đã bàn giao được 56 trong tổng 202 căn shophouse.
Ngoài Hội An D’or, các dự án bất động sản đang tồn kho khác của BCG Land có thể kể đến Malibu Hội An (gần 2.155 tỷ đồng), dự án King Crown Village (135 tỷ đồng), dự án Casa Marina Resort (137 tỷ đồng),...
Trong đó, dự án Malibu Hội An hiện đã bàn giao 222 căn trên tổng số 675 căn condotel. Đây cũng là dự án có tồn kho lớn nhất của BCG Land tại ngày 30/9, giảm 7,2% so với đầu năm. Tại ngày 30/9, BCG Land trích lập dự phòng giảm giá tồn kho hơn 75 tỷ đồng cho dự án này.
Mặt khác, tại ngày 30/9, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của BCG Land là 1.553 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm, phần lớn từ các khách hàng dự án Hội An D’or (797 tỷ đồng) và dự án Malibu Hội An (728 tỷ đồng).
Về phần nợ, dư nợ vay tài chính của BCG Land tại ngày 30/9 là 3.338 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, 2.500 tỷ đồng là nợ trái phiếu từ lô trái phiếu mã BCLCH2124001, phát hành từ tháng 3/2021 và sẽ đáo hạn vào tháng 3/2026.
Trên thực tế, theo kế hoạch cũ, lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Song, vào đầu tháng 8, BCG Land đã đàm phán với trái chủ và được chấp thuận gia hạn thêm 2 năm, do đó chuyển ngày đáo hạn sang tháng 3/2026 như trên.
T.M (t/h)