Liên Xô tan rã, Mỹ tiếp tục khơi mào chiến tranh lạnh mới với Nga như thế nào?
Sau khi Liên Xô tan rã, Moscow đã thể hiện thiện chí nhưng thay vì bình thường hóa quan hệ thì Washington tiếp tục coi Nga là địch thủ giống như Liên Xô.
Trong bài viết đăng trên trang web của Mỹ “19Fortyfive”, chuyên gia Ted Carpenter từ Viện Cato đã tìm hiểu và đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Cái gì đã ngăn cản sự hội nhập hoàn toàn của Nga vào phương Tây, trong bối cảnh vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, dường như Mỹ với Nga đã xây dựng được một cái gì đó na ná như “tình bạn”.
Cây bút chính luận nhắc rằng, sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, Washington đã có cơ hội khá dễ dàng để kết bạn cũng như thiết lập các liên hệ mật thiết về kinh tế và chính trị với Moscow.
Vào thời gian đó, thậm chí đã có thời điểm tưởng chừng như Nga đã hoàn toàn hòa nhập với phương Tây, khi nước này gia nhập G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển, gồm: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada và Nhật Bản), hình thành nên G8 vào năm 1998.
Tưởng chừng như việc để Moscow gia nhập nhóm cường quốc công nghiệp là dấu hiệu cho thấy G7 đã công nhận Nga là một nước công nghiệp hóa và có cùng “giá trị quan” với phương Tây, nhưng thực ra đó là âm mưu của Mỹ đưa Nga vào vòng kiềm tỏa để dần dần khuất phục Moscow.
Do đó, thay vì tôn trọng và ứng xử bình đẳng với Moscow, Washington đã hành xử một cách ngạo mạn và thô thiển, bài xích các giá trị quan và xâm phạm lợi ích địa - chính trị của Nga, kích động gây ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khiến Điện Kremlin thay đổi chiến lược và xa rời phương Tây.
Như tác giả lưu ý, Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ là Bill Clinton đã mắc thêm những sai lầm khi khơi mào cuộc Chiến tranh Lạnh mới bằng cách mở rộng NATO sang phía đông, kết nạp thêm các thành viên mới từ các quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ.
Chuyên gia Carpenter chỉ ra, vào năm 1999, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Warsaw trước đây, gồm: Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary, đã gia nhập khối liên minh NATO.
Vị chuyên gia Mỹ nêu ý kiến rằng, khó có thể xem việc mở rộng khối liên minh quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử tới sát biên giới của một cường quốc đang suy yếu, mà lại tung hô rằng đó là “cử chỉ thân thiện”. Bước đi này của phương Tây bị Nga đánh giá là động thái xâm phạm vào khu vực an ninh của Moscow.
Chính quyền của ông Bin Clinton cũng xem nhẹ quan tâm lợi ích của Nga cả trong thời kỳ Liên bang Nam Tư tan rã.
Hoạt động can thiệp đầy tính phô trương của Hoa Kỳ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương ở Bosnia và Kosovo hẳn là nhằm nhấn mạnh rằng Moscow “đã thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh”, do đó phải im lặng chịu đựng sự lăng mạ sỉ nhục của phương Tây.
Đến tháng 02/2014, khi phương Tây dàn dựng cuộc chính biến trên Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev của Ukraine, lật đổ chính quyền thân thiện với Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych, dựng lên chính quyền thân phương Tây; đồng thời nhăm nhe hất cẳng Hạm đội Biển Đen của Nga khỏi bán đảo Crimea, thì quan hệ giữa hai bên đã không còn cứu vãn được nữa.
Chính điều đó đã khiến Nga có những hành động cứng rắn như thu hồi bán đảo Crimea từ Ukraine vào tháng 3/2014, ủng hộ lực lượng ly khai ở 2 tỉnh Donbass là Donetsk và Lugansk đứng lên đòi độc lập, tách khỏi Ukraine, trong cuộc nội chiến ở miền đông nước này.
Ngay sau đó, việc G8 khai trừ Nga, trở lại định dạng “G7 phương Tây”, còn Moscow gương cao ngọn cờ “chủ nghĩa dân tộc” chống phương Tây, chính là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân gượng ép giữa hai bên.
Từ đó đến nay, quan hệ giữa Moscow và Washington nói riêng và Nga-phương Tây nói chung chưa bao giờ bình lặng, hai bên đã hoàn toàn trở thành kẻ thù của nhau, không còn bất cứ cơ hội nào cho đàm phán, hòa giải, chứ đừng nói đến hợp tác cùng phát triển.
Vị học giả Mỹ tin rằng, do chính sách ngạo mạn và thiển cận của chính quyền thời đó, Mỹ đã bỏ lỡ cơ may xây dựng quan hệ lâu dài và xích lại gần nhau giữa phương Tây với Nga. Ngay từ cuối những năm 1990, những hành động của Washington đã đẩy thế giới vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới.