Liên Xô từng lên kế hoạch cho nổ hạt nhân để khai thác dầu mỏ như thế nào?

Hơn 100 vụ nổ hạt nhân vì mục đích kinh tế đã được Liên Xô tiến hành từ nửa sau thập niên 1960. Cuối cùng, chương trình quốc gia này đã bị dừng lại, bởi những vụ nổ đó làm cho cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, nguy cơ ô nhiễm phóng xạ bầu khí quyển là quá lớn.

Mục đích của kế hoạch

Theo thông tin được giải mật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga, phần lớn các vụ nổ hạt nhân công nghiệp (75 trong tổng số 124 vụ) được tiến hành dựa vào những nghiên cứu và tính toán của Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật toàn Nga. Các thiết bị nổ hạt nhân vì mục đích hòa bình trong khuôn khổ Chương trình quốc gia số 7 được sử dụng để giải quyết hàng loạt nhiệm vụ, như thăm dò địa chất (giúp ghi lại địa chấn của vỏ Trái đất), tạo ra các hồ chứa ngầm để sản xuất khí đốt và tăng cường khai thác dầu khí. Đây là những định hướng chính của việc sử dụng thiết bị hạt nhân nhằm mục đích phát triển kinh tế quốc dân.

Về cơ bản, các thiết bị nổ hạt nhân được đặt trong các giếng ở độ sâu lên đến 2,5km. Năm 1968, một trong những vụ nổ như vậy có công suất 47 kiloton đã được tiến hành tại Uzbekistan nhằm tăng lượng sản xuất khí đốt tự nhiên.

Một vụ nổ hạt nhân được Liên Xô tiến hành tại bãi thử Semipalatinsk ngày 12-10-1961. Nguồn: nv.am

Một vụ nổ hạt nhân được Liên Xô tiến hành tại bãi thử Semipalatinsk ngày 12-10-1961. Nguồn: nv.am

Dùng hạt nhân để nắn dòng sông

Theo dự án “Taiga”, được nêu ra trong các tài liệu của Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật toàn Nga, người ta dự định chuyển dòng chảy các con sông phía Bắc đến sông Volga để kết nối thành phố Pechora với lưu vực sông Kolva. Và để thực hiện điều này, người ta dự định tiến hành 250 vụ nổ hạt nhân. Thông báo chính thức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga cho biết, để làm rãnh đặt thiết bị nổ, người ta đã khoan 3 giếng xuống độ sâu hơn 100m, mỗi giếng đặt khối thuốc nổ 15 kiloton (có tổng cộng 7 giếng đã được khoan). Tất cả các thiết bị nổ hạt nhân được kích hoạt đồng thời vào ngày 23-3-1971. Kết quả là, một rãnh dài 700m được tạo ra có độ sâu lên tới 15m và rộng 340m. Năm 1986, mức độ phóng xạ đo được tại địa điểm này và tại một số vị trí khác lên tới 600 microroentgen/giờ.

Chúng được kích nổ trong rừng Taiga cách thành phố Chusovoy ở vùng Perm 20km. Ông Timofey Afanasyev, một người dân địa phương, kể lại rằng, vụ nổ đã làm xuất hiện một đám mây bụi cao đến 2km và được người dân các ngôi làng gần đó nhìn thấy rõ.

Những khối thuốc được sử dụng trong vụ nổ, mặc dù được coi là “sạch”, nhưng không ước định được sự ô nhiễm phóng xạ gây ra cho khu vực, và hậu quả là chúng vẫn để lại một vệt phóng xạ dài 25km. Bức xạ đã được các chuyên gia Thụy Điển và Mỹ ghi lại, nên để không gây ra xung đột quốc tế, các công việc tiếp theo tại khu vực này đã bị hủy bỏ.

Hồ hạt nhân

Hố bom hình thành sau các vụ nổ được gọi là “Hồ hạt nhân” hay “Hồ nguyên tử”. Đầu những năm 2000, Tạp chí “Sinh thái và Pháp luật” đã công bố tài liệu về những nghiên cứu do các chuyên gia của Phân viện Ural thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga tiến hành tại những địa điểm này. Các nhà khoa học đã lấy mẫu đất, nước và rong tảo, cũng như cắt lấy mẫu của cây cối và bắt cá sống ở những ao hồ tại đó. Tuy nhiên, kết quả đo được về mức độ phóng xạ vẫn không được công bố, mặc dù có ghi nhận rằng, trong suốt những năm qua, người dân địa phương vẫn hái nấm và trái quả ở khu vực rừng Taiga gần nơi xảy ra vụ nổ, cũng như câu cá ở hồ hạt nhân và săn bắn thú rừng.

Trong phóng sự của mình, các nhà báo của kênh truyền hình Nga NTV đã từng nhận định rằng, ở khu vực hồ hạt nhân, người ta cũng đã thu gom những đoạn dây cáp bị nhiễm hạt nhân phóng xạ còn sót lại khá nhiều sau những năm 1970 và mang đến các điểm thu mua phế liệu.

Năm 2009 tại khu vực diễn ra các cuộc thử nghiệm, các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Saint Petersburg mang tên P.V. Ramzaev đã tiến hành đo bức xạ nền. Sau đó, dựa vào kết quả đo này người ta đã công bố báo cáo “Những nghiên cứu phóng xạ tại bãi nổ hạt nhân Taiga”. Tại những vị trí khác nhau ở khu vực này, các nhà khoa học đã ghi nhận có mức độ bức xạ gamma tăng lên.

Những vụ nổ công nghiệp thử nghiệm thiết bị hạt nhân ở Liên Xô tiếp tục được tiến hành cho đến cuối thập niên 1980, và Viện nghiên cứu vật lý kỹ thuật toàn Nga là viện duy nhất trên thế giới triển khai hoạt động này. Phần lớn các vụ nổ thiết bị hạt nhân đã được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí. Trong khi thông tin chứng thực về mối nguy hại đối với môi trường của các thí nghiệm như vậy đến nay vẫn chưa được công bố.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/lien-xo-tung-len-ke-hoach-cho-no-hat-nhan-de-khai-thac-dau-mo-nhu-the-nao-673625