Liệt sĩ Đặng Đình Lống qua lời kể của đồng đội

Vào cuối tháng 6-1964, Tàu 142, 146 thuộc Phân đội 3, Đoàn 130, Căn cứ 1, Bộ tư lệnh Hải quân nhận lệnh đi làm nhiệm vụ dài ngày trên biển. Lúc đó tôi (Cao Trọng Đoan) là Pháo thủ vị trí 6, Tàu 142; đồng chí Đặng Đình Lống là Pháo thủ vị trí 6, Tàu 146. Chúng tôi cùng nhập ngũ năm 1962. Vào ban đêm, hai tàu rời quân cảng không một tiếng tín hiệu còi rồi lặng lẽ chạy qua cửa Lục, chiếc phà vẫn nằm im bên trong, chỉ có hai hàng tiêu dẫn luồng nhấp nhô theo sóng, những quả núi trong vịnh vẫn chìm trong sương mù, lúc ẩn lúc hiện.

Không rời trận địa

Biên đội tàu đã ra khỏi Cửa Vạn, đèn chớp Long Châu, Hòn Dấu nhấp nháy, hướng tàu đi đã tác nghiệp trong hải đồ về đảo Hòn Mê, đảo Nẹ. Tàu 146 làm kỳ hạm đội hình biên đội tàu đi theo hàng dọc lệch. Trời hửng sáng hai tàu đã tới nơi tập kết. Lúc này các tàu thuyền của quốc doanh và tư nhân đang đánh cá. Tàu 142, 146 được lệnh hạ cột ra-đa, ăng ten báo vụ, ngụy trang pháo, che số tàu. Cán bộ, chiến sĩ mặc quần áo lao động, hòa nhập vào tàu thuyền đánh cá theo dõi tàu địch cả ngày lẫn đêm.

Tàu địch hoạt động từ Hòn Mát, cửa Hội đến cửa Bà Lạt. Thời gian hoạt động trên biển đã gần một tháng nên Tàu 142, 146 đã cạn kiệt nước ngọt, lương thực, thực phẩm, phải ăn lương khô, ai cũng thèm rau xanh. Bất chợt có cơn mưa, chúng tôi nhanh chóng trải bạt ra boong tàu hứng nước mưa đổ vào két, mọi người tranh thủ tắm giặt, trong người như trút được gánh nặng. Thời tiết nắng gay gắt cộng với gió Lào nên ai cũng đen sạm.

 Biên đội tàu của Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ tại Lạch Trường, Thanh Hóa, ngày 5-8-1964. Ảnh: TƯ LIỆU

Biên đội tàu của Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ tại Lạch Trường, Thanh Hóa, ngày 5-8-1964. Ảnh: TƯ LIỆU

Tối 31-7-1964, Tàu 142, 146 được lệnh vào Sầm Sơn, Thanh Hóa nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm thì có lệnh của chỉ huy tiền phương lệnh cho hai tàu xuất kích đánh tàu địch đang tiến vào đảo Hòn Mê. Hai tàu nhổ neo khẩn cấp, vừa cơ động ra thì đã nhìn thấy những đường đạn đỏ rực nối đuôi nhau lao vào đảo Hòn Mê. Phân đội trưởng Võ Kim Toàn cho hai tàu cơ động như một gọng kìm kẹp tàu đối phương. Tàu địch phát hiện tàu của ta, chúng lập tức quay ra bắn liên tiếp, những đường đạn bay ngược chiều nhau sáng cả mặt nước, cự ly tàu địch, tàu ta xa dần do tàu địch có ưu thế về tốc độ. Trận chiến đấu kết thúc, Tàu 142, 146 về nơi tập kết…

Tiếp đó, Tàu 146 tiếp tục tham gia trận đánh ngày 5-8-1964. Trong trận chiến đấu ác liệt này dù Pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương ở chân nhưng anh đã dùng đai cột chân mình vào bệ pháo để chiến đấu tới hơi thở cuối cùng...

Nghĩa tình đồng đội

Cuối tháng 7-2014, tôi nhận được giấy mời của Bộ tư lệnh Hải quân về dự lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc... Tôi gặp cháu Quang, con trai Anh hùng liệt sĩ Đặng Đình Lống. Cháu Quang chia sẻ: "Mẹ con cháu vẫn chưa tìm được phần mộ của cha cháu". Sau ngày lễ tôi về quê cháu cùng gia đình đi tìm phần mộ liệt sĩ Đặng Đình Lống…

Câu chuyện đi tìm mộ Anh hùng liệt sĩ Đặng Đình Lống dài và ly kỳ lắm… Tôi và cháu Quang tới Nghĩa trang liệt sĩ của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, rồi tìm gặp cả những người cao tuổi ở cửa Lạch Trường… cuối cùng không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà tôi chỉ đúng ngôi mộ vô danh-ngôi mộ Đặng Đình Lống (vì trong nghĩa trang đó có 3 ngôi mộ vô danh). Tôi bảo cháu: Chú cháu mình về, chú sẽ viết đơn cho cháu gửi cho các cơ quan chức năng giúp đỡ xét nghiệm ADN, trong đó có gửi Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân. May thay Đặng Đình Lống còn có cô em gái nên xét nghiệm ADN được thuận lợi và chính xác.

Năm 2018, tôi nhận điện cháu Quang gọi cho tôi, cháu mừng quá nói trong nước mắt: Đúng ngôi mộ chú bảo là ngôi mộ của cha cháu đã có kết quả xét nghiệm ADN. Được tin tôi rưng rưng nước mắt mừng cho mẹ con cháu đã quá nửa thế kỷ nay mới biết mộ chồng, cha. Tôi đã vào quê hương mẹ con cháu Quang cùng với họ hàng, lối xóm, cơ quan đoàn thể, có cả cán bộ Phòng Chính sách Hải quân vào dự lễ đón Anh hùng, liệt sĩ Đặng Đình Lống về nơi đất mẹ - Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 7-2024, tôi vào thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Đặng Đình Lống, ngôi nhà mới được sửa sang lại rộng rãi, khang trang nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc. Ở nơi suối vàng, người bạn lính của tôi, chắc vong linh anh mừng lắm.

Cựu chiến binh CAO TRỌNG ĐOAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/liet-si-dang-dinh-long-qua-loi-ke-cua-dong-doi-788261