Liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn góp công vào chiến thắng trong trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Cách đây 60 năm, ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm xây dựng trong hòa bình, lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã dũng cảm, kiên cường đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ; cùng với lực lượng của Quân chủng Phòng không – Không quân và Nhân dân các địa phương bắn rơi 8 máy bay hiện đại của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, làm nên chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong chiến công vang dội đó, tỉnh Hưng Yên tự hào có một chiến sĩ anh dũng chiến đấu, hy sinh, sử sách mãi mãi khắc ghi, đó là liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn, ở xã Hoàng Văn Thụ, nay là thị trấn Ân Thi (Ân Thi), nhân viên Trường pháo, T146, Lữ đoàn 171.

Người thân bên di ảnh liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn

Người thân bên di ảnh liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn

Năm 1952, khi tròn 20 tuổi, thanh niên Nguyễn Trung Mẫn lên đường nhập ngũ. Ông Nguyễn Trung Điệt, cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn cho biết, ngày đó tôi còn bé, chỉ nhớ chú đi bộ đội, sau đó đi học bên Trung Quốc. Mỗi lần về phép, món quà chú dành cho tôi là tập vở, cây bút, động viên tôi học tốt. Ông Điệt bồi hồi nhớ lại, một ngày mùa thu năm 1964, đồng đội của chú Mẫn về gia đình báo tin chú đã hy sinh trong trận chiến đấu với hải quân, không quân Mỹ… Sau chặng đường xa, chúng tôi đã đến được vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa), nơi chú chiến đấu, hy sinh. Chú cùng những đồng đội được chính quyền, đoàn thể, Nhân dân địa phương tổ chức an táng trọng thể trong niềm xúc động, tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Đi cùng đoàn người thân tới nhận mộ liệt sĩ, ông Điệt được nghe đồng đội của chú mình và người dân địa phương kể lại, chú Mẫn cùng đồng đội chiến đấu rất dũng cảm. Sau khi bị thương nặng ở vùng bụng, ông còn tự tay băng bó vết thương và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Thời gian trôi đi, ông Điệt lớn lên, đi bộ đội, có điều kiện vào thăm phần mộ của chú mình thì được biết phần mộ đã được chuyển đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa. Mới đây, gia đình đã đưa mộ phần của liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn về với đất mẹ, về với người thân tại quê nhà.

Tại địa phương ngày ấy, huyện Ân Thi, xã Hoàng Văn Thụ tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn rất trang trọng trong niềm tự hào về một người con quê hương quả cảm, can trường. Huyện Ân Thi phát động đợt học tập tấm gương liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn ở các xã, trong lực lượng phòng không, dân quân, các đoàn thể, trường học. Đâu đâu cũng dấy lên phong trào noi gương liệt sĩ, lên đường chống Mỹ, cứu nước. Ông Nguyễn Mạnh Đạt, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ân Thi còn nhớ, phong trào đó khơi dậy tinh thần yêu nước mạnh mẽ, thúc giục thế hệ thanh niên chúng tôi lên đường đi chiến đấu giết giặc. Rất nhiều thầy giáo, học sinh các trường nhập ngũ, trong đó có cả con trai của các đồng chí lãnh đạo huyện Ân Thi. Ông Đạt cũng tham gia quân ngũ vào thời điểm đó, tháng 11/1964.

Trở lại diễn biến trận đánh ngày 2 và 5/8/1964, đêm ngày 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc Mỹ đã xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc để điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 2/8/1964, tàu khu trục Ma - đốc xâm phạm vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường (Thanh Hóa) 9 hải lý. Cán bộ, chiến sĩ Phân đội 3 (Đoàn 135) đã anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc. Lực lượng của ta đã bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác.

Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta, đêm ngày 4/8/1964, chính quyền nước Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế để lấy cớ dùng lực lượng không quân mở cuộc tập kích lớn đánh phá các căn cứ dọc ven biển miền Bắc mang tên “Mũi tên xuyên”.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ sử dụng tối đa lực lượng máy bay ở 2 biên đội tàu sân bay gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch gây chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta mà chúng đã vạch sẵn từ trước. Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa), có 4 máy bay AD6 lao từ hướng Đông Bắc vào bắn phá hai tàu T130 và T132. Tiếp đó, chúng tập trung 8 chiếc AD4 đánh các tàu 333, 336 và T146. Các tàu đã phối hợp nổ súng kịp thời đánh trả máy bay địch, bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ, bắn bị thương 2 chiếc khác. Trong trận này, liệt sĩ Nguyễn Trung Mẫn đã anh dũng hy sinh, cùng với đồng đội đánh dấu trang lịch sử chiến đấu và chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ngay trận đầu, ta đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường đánh trả, bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, gây cho bọn đầu sỏ đế quốc Mỹ bất ngờ bởi với những tổn thất lớn. Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 trở thành chiến công đầu tiêu biểu, mở đầu trang sử anh hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam và của Phòng không - Không quân.

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/liet-si-nguyen-trung-man-gop-cong-vao-chien-thang-trong-tran-dau-cua-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-3174088.html