Liệu chiến dịch phản công của Ukraine có thành công?

Hãng tin Nga RT chỉ ra những thách thức chính có thể ngăn cản quân đội Ukraine thực hiện chiến dịch phản công chống lại các lực lượng quân sự Nga.

Cuộc phản công của các lực lượng vũ trang Ukraine đã được bàn luận suốt nhiều tháng qua, nhưng vẫn chưa rõ khi nào nó có thể bắt đầu, hoặc liệu nó có xảy ra hay không.

Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở mặt trận Donetsk. Ảnh: Anadolu Agency

Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở mặt trận Donetsk. Ảnh: Anadolu Agency

Thách thức chính

Theo RT, hiện chưa rõ quân đội Ukraine sẽ bắt đầu triển khai cuộc phản công từ đâu. Nếu đợt phản công là nhằm đột phá tiền tuyến, ngoài việc chuẩn bị lực lượng dự bị cho trận chiến, Ukraine sẽ cần những loại vũ khí có độ chính xác cao.

Hãng tin Nga cho rằng, quân đội Ukraine sẽ phải sử dụng các hệ thống rocket tầm xa như M142 HIMARS do Mỹ cung cấp. Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Kiev chỉ sử dụng các hệ thống này ở sâu bên trong lãnh thổ. Để xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga, các hệ thống như M142 HIMARS sẽ phải được di chuyển đến gần mặt trận hơn.

Tuy nhiên, số lượng dàn phóng tên lửa HIMARS hiện tại chưa đủ phục vụ cho cuộc phản công dọc theo chiến tuyến trải dài 1.000km. Ngoài ra, hệ thống này có thể sẽ chỉ được tập trung theo một hoặc hai hướng, khiến chúng trở nên dễ dàng bị phát hiện và tiêu diệt.

Chưa hết, theo RT, trên thực tế, Ukraine chỉ được cung cấp số tên lửa có hạn, nên việc sử dụng những hệ thống vũ khí mà phương Tây viện trợ như HIMARS cũng bị hạn chế. Đặc biệt, những hệ thống này chưa bao giờ được thử nghiệm trong các cuộc xung đột cường độ cao.

Khó khăn hậu cần

Hãng tin Nga nhận định, Ukraine có thể sẽ phải mất 12 – 36 giờ để chuẩn bị đội hình quân sự quan trọng nhất trước cuộc tấn công chính. Trong điều kiện hiện tại, Ukraine gần như không thể huy động đủ nhiên liệu và đạn dược. Chưa kể Ukraine còn gặp những khó khăn trong việc định vị đối phương.

Trong khi đó, Nga từng sử dụng máy bay không người lái (UAV) Lancet để tấn công hệ thống tên lửa phòng không Gepard của Đức, và hệ thống tên lửa S-300 hoạt động gần tiền tuyến. Ngay cả các thiết bị được Ukraine bí mật di chuyển đến gần tiền tuyến cũng có thể dễ dàng bị Nga phá hủy.

RT cho rằng, điều này chứng tỏ các tuyến đường được sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự và cất giấu thiết bị của Ukraine đều nằm dưới sự giám sát của Nga. Nếu các lực lượng vũ trang Ukraine mất một lượng đáng kể nhiên liệu, hoặc thiết bị vận chuyển, hoặc đơn vị kỹ thuật chỉ trong 2 - 3 ngày đầu tiên, Kiev sẽ phải điều chỉnh chiến lược phản công khi đang di chuyển, hoặc thực hiện kế hoạch dự phòng nếu có.

Hơn thế nữa, Ukraine không có phương tiện vận chuyển thiết bị quân sự dự trữ bằng đường hàng không, hoặc tiến hành chiến tranh đổ bộ. Nguồn cung và hoạt động hậu cần của Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào đường bộ và đường sắt. Do đó, việc một cây cầu, hoặc một tuyến đường sắt phục vụ hoạt động tiếp tế quan trọng của Ukraine bị phá hủy có thể dẫn đến thảm họa ở tiền tuyến.

Ukraine có kế hoạch sử dụng 12 lữ đoàn chiến đấu trong đợt phản công. Ảnh: New York Times

Ukraine có kế hoạch sử dụng 12 lữ đoàn chiến đấu trong đợt phản công. Ảnh: New York Times

Ukraine có thể hoãn phản công?

Để thực hiện thành công cuộc phản công quy mô lớn, RT tin rằng, các lực lượng vũ trang Ukraine có thể không sử dụng thiết bị công nghệ cao như UAV Bayraktar, hoặc hệ thống M142 HIMARS, mà dựa vào lực lượng pháo binh, xe tăng, số lượng lớn bộ binh, cùng lượng lớn đạn, tên lửa, và đạn pháo.

Nhưng nếu xảy ra sự cố, Kiev khó có thể nhanh chóng bổ sung đạn dược. Bởi quân đội Ukraine hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ quân sự từ nước ngoài từ đạn súng cối, đạn pháo 122mm, 152mm và 155mm, hệ thống chống tăng, và đạn dùng cho các vũ khí loại nhỏ. Điều này có nghĩa rõ ràng các lực lượng vũ trang Ukraine thiếu sức mạnh để vượt qua 3 – 5 tuyến phòng thủ.

Địa điểm phản công

Ukraine có khả năng sẽ sử dụng các đơn vị được thành lập với sự giúp đỡ của phương Tây để nhanh chóng “chọc thủng” mặt trận, hãng tin Nga nhận định. Ngoài ra, lựa chọn thực tế duy nhất của Kiev là tiến hành cuộc tấn công từ một hướng cụ thể và không báo trước.

Các địa điểm tiềm năng để thực hiện phản công của quân đội Ukraine bao gồm Kherson, Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, hoặc Zaporozhye. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Ukraine có thể cân nhắc tấn công những ngôi làng ở vùng Kursk, Bryansk và Belgorod. Tuy nhiên, RT cho rằng, thách thức chính đối với Ukraine là cuộc tấn công lớn đầu tiên, và thậm chí là nỗ lực huy động lực lượng có thể làm mất thế trận, và dẫn tới phá hỏng toàn bộ kế hoạch phản công.

RT dẫn nguồn tờ New York Times cho hay, giao tranh ở khu vực Bakhmut thuộc miền đông Ukraine trong mùa đông năm nay đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược, và dẫn đến thương vong nặng nề cho một số đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu.

Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ nhận định vẫn có khả năng quân đội Ukraine sẽ tạo ra bất ngờ. Bởi Ukraine đang được trang bị xe tăng của châu Âu, và xe bọc thép chở quân của Mỹ, cũng như có các đơn vị mới được Mỹ, NATO huấn luyện và trang bị vũ khí.

Theo các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng, Ukraine có kế hoạch sử dụng 12 lữ đoàn chiến đấu với khoảng 4.000 quân mỗi lữ đoàn trong chiến dịch phản công. Mỹ và các đồng minh đã giúp huấn luyện 9/12 lữ đoàn. Ngoài ra, những nước ủng hộ Ukraine dự kiến sẽ cung cấp thông tin tình báo cho đợt phản công của Ukraine.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lieu-chien-dich-phan-cong-cua-ukraine-co-thanh-cong-2139279.html