Liệu có mở lối cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ lách luật?
Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua cho phép ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải theo hợp đồng không cần ký hợp đồng với người thuê cả chuyến xe. Như vậy, xe dưới 9 chỗ có thể được phép gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe.
Lỗ hổng để xe hợp đồng dưới 9 chỗ gom khách
Tại Luật Đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về hoạt động vận tải đường bộ đã có nhiều thay đổi so với Luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo đó, Luật quy định kinhdoanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Tuy nhiên, trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) - tức xe từ 9 chỗ trở lên, phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Như vậy, xe dưới 9 chỗ sẽ không cần phải ký hợp đồng với người thuê vận tải cả chuyến xe, đồng nghĩa với việc được phép gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, ông cũng bất ngờ trước quy định về xe hợp đồng mới trong bộ luật nêu trên.
“Chính vì quy định xe hợp đồng dưới 9 chỗ không phải gửi danh sách khách hàng và hợp đồng về Sở GTVT chủ quản trước đây mà xe khách trá hình nở rộ khắp cả nước. Nay lại tiếp tục thả lỏng hơn thì cuộc cạnh tranh bất công bằng giữa xe trá hình với xe tuyến cố định chắc chắn sẽ còn cam go hơn nữa”, ông Thắng cho hay.
Theo tìm hiểu, hiện phần lớn xe khách trá hình là xe limousine dưới 9 chỗ ngồi, chạy cự ly ngắn trong khoảng dưới 200km. Không chỉ khiến xe khách tuyến cố định nhanh chóng sụp đổ, loại hình này còn làm cho ngân sách thất thu rất lớn, gây rối loạn trật tự, ATGT trong các đô thị lớn, nhỏ trên toàn quốc.
Do đó, việc thả nổi, cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (cho khách) không cần lập hợp đồng sẽ giúp chủ xe, doanh nghiệp trốn doanh thu, trốn thuế dễ dàng hơn nữa.
Cần siết chặt quản lý xe hợp đồng
Nhiều doanh nghiệp, người dân cũng như các chuyên gia cho rằng Luật Đường bộ mới sẽ siết chặt hơn quản lý đối với xe hợp đồng để dần dần loại bỏ vi phạm, vãn hồi trật tự trên thị trường vận tải hành khách liên tỉnh. Vì vậy, quy định về xe hợp đồng trong Luật Đường bộ mới đã khiến những người trông mong vô cùng hụt hẫng.
Giám đốc Công ty TNHH Bộ Thịnh Phát Nguyễn Đăng Khải cho biết, doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư tuyến vận tải hành khách liên tỉnh Hà Nội - Sơn La, nhưng đã tạm dừng để nghe ngóng.
“Hầu hết xe limousine, xe khách đội lốt xe hợp đồng hiện nay đều là loại 8 chỗ ngồi cho khách, nằm trong diện không phải có hợp đồng bằng văn bản.
Ra luật thế này thì xe khách tuyến cố định sẽ càng khó khăn hơn trước. Chúng tôi rất bất ngờ vì những tưởng Luật Đường bộ mới sẽ bịt lỗ hổng xe trá hình vẫn lợi dụng lâu nay”, ông Khải cho hay.
Tương tự, ông Trần Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Hằng phân tích, trước đây xe ghép chở khách “lậu”, bản chất là xe dù hoàn toàn. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ phạt rất nặng.
“Nhưng nay có quy định mới chỉ cần đăng ký phù hiệu xe hợp đồng, rồi tha hồ nhởn nhơ gom khách, đón khách khắp nơi, không khai báo doanh thu, chạy như xe cố định cũng chẳng ai bắt lỗi gì được”, ông Trần Hồng Phong nói.
Mặt khác, đối với lực lượng chức năng, việc xử lý xe hợp đồng trá hình vận chuyển khách liên tỉnh từ trước tới nay đã rất khó khăn, nay sẽ còn khó khăn hơn do việc “hợp thức hóa” xe ghép, xe tiện chuyến.
Đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Xe ghép phần lớn là xe ngoại tỉnh chạy về Hà Nội. Muốn xử lý được phải mật phục, hóa trang rất vất vả, nhưng phát hiện còn phạt được. Nay nếu hàng nghìn chiếc xe đăng ký kinh doanh XHĐ, rồi ỷ vào lợi thế dưới 8 chỗ, đón trả khách khắp nơi thì không có căn cứ gì mà xử phạt”.
Theo ước tính của Sở GTVT Hà Nội, hiện có khoảng 2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn TP, tạo nên áp lực giao thông không nhỏ. Trong đó có cả xe khách trá hình, xe ghép, xe tiện chuyến… những chiếc "xe dù" kinh doanh theo dạng lách luật, phá luật.
Ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe limousine, xe ghép dừng đỗ, đón trả khách bất cứ đâu, bất chấp giờ cao điểm, gây cản trở lưu thông khiến người dân vô cùng bức xúc suốt nhiều năm qua.
Phải chăng, Bộ GTVT cần lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, tìm hiểu thực tế và có giải pháp cho vấn đề xe hợp đồng biến tướng. Không thể buông xuôi, bỏ mặc, hoặc xây dựng quy định trên sự chủ quan, thiếu thực tế.