Liệu có thảm họa hạt nhân sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Một trận động đất kinh hoàng xảy ra hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria đã làm dấy lên tranh luận có từ lâu liên quan đến một nhà máy điện hạt nhân lớn đang được xây dựng trên bờ biển phía nam Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà máy điện hạt nhân nói trên tọa lạc ở Akkuyu, nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 338 km, được thiết kế để chịu đựng những cơn chấn động mạnh và không chịu bất kỳ thiệt hại nào từ trận động đất ngày 6/2.
Tuy nhiên, quy mô tàn phá của trận động đất được coi là tàn khốc nhất lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ lại đặt ra câu hỏi lớn về an toàn khi cơ sở này được xây dựng trên rìa của một đứt gãy địa chất.
Rosatom, công ty Nga phụ trách dự án, cho biết nhà máy điện hạt nhân được thiết kế để “chịu được những tác động cực đoan” từ trận động đất mạnh lên đến 9 độ richter. Trong quá trình xây dựng, các công trình của nhà máy được thiết kế để có thể tồn tại sau những rung động mạnh từng được ghi nhận tại khu vực này.
Khả năng xảy ra một trận động đất mạnh 9 độ richter ở khu vực lân cận lò phản ứng Akkuyu “xấp xỉ 10.000 năm một lần”, Rosatom cho biết.
Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiện chưa có kế hoạch đánh giá lại dự án. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động vẫn cho rằng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ này vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng.
Giáo sư Andrew Whittaker tại Đại học Buffalo của Mỹ, một chuyên gia về kỹ thuật động đất và cấu trúc hạt nhân, cho biết các cơ sở hạt nhân được xây dựng bằng bê tông cốt thép nặng, có kích thước phù hợp với các trận động đất lớn và vững chắc hơn nhiều so với các tòa nhà thương mại.
Việc nhà máy nằm ở phía tây của Đứt gãy Đông Anatolian, nơi có liên quan đến cơn chấn động mạnh vào tuần trước, cho thấy rằng thiết kế của nhà máy có khả năng chống chịu rung lắc hay không. Ông Whittaker cho biết mặc dù “không có lý do để lo lắng nhưng thận trọng là điều không thừa”.
Dù vậy, lời an ủi này không thể làm nguôi các nhà hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ và Síp, những người “kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị, các tổ chức khoa học và môi trường cũng như xã hội dân sự tham gia nỗ lực và gây áp lực lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt kế hoạch nhà máy điện hạt nhân Akkuyu”.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới được thiết kế để chịu được động đất và ngừng hoạt động an toàn trong trường hợp có chuyển động lớn của trái đất. Khoảng 20% lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trong các khu vực có hoạt động địa chấn nghiêm trọng trên khắp thế giới.
Điển hình như các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản, bao gồm cả Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, nằm ở những khu vực có thể xảy ra động đất lên tới 8,5 độ richter. Các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, khi một cơn sóng thần ập vào nhà máy Daichi, làm tan chảy ba lò phản ứng và giải phóng mức độ phóng xạ nguy hiểm. Tại Mỹ, Nhà máy điện Diablo Canyon ở California cũng được thiết kế để chống chọi an toàn với động đất, sóng thần và lũ lụt có khả năng xảy ra trong khu vực.
Các cơ quan quản lý hạt nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp giấy phép xây dựng nhà máy ở Akkuyu vào năm 1976 sau 8 năm nghiên cứu địa chấn để xác định vị trí phù hợp nhất, nhưng dự án đã bị chậm lại sau sự cố hạt nhân Chernobyl năm 1986. Việc xây dựng lò phản ứng đầu tiên bắt đầu vào năm 2018. Các nhà máy điện hạt nhân lớn thường mất một thời gian để xây dựng do quy mô và độ phức tạp của cơ sở hạ tầng.
Theo Rosatom, một nghiên cứu của Văn phòng Phòng ngừa và ứng phó các tình huống khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng địa điểm ở Akkuyu – cách bờ biển phía bắc của Síp khoảng 95 km – nằm trong vùng động đất cấp độ 5, tức là được coi là khu vực an toàn nhất về động đất.
Công ty cho biết, thiết kế của nhà máy bao gồm một bức tường bê tông cốt thép bên ngoài và lớp vỏ bảo vệ bên trong làm bằng “bê tông dự ứng lực”, với dây cáp kim loại được kéo dài bên trong lớp vỏ bê tông để tăng thêm độ vững chắc cho cấu trúc. Ngoài ra, nhà máy cũng có thiết kế lò phản ứng hiện đại, VVER-1200 của Nga, bao gồm tính năng an toàn bổ sung - một cấu trúc hình nón bằng thép nặng 144 tấn được gọi là “thiết bị bắt lõi” trong trường hợp khẩn cấp, làm mát bất kỳ vật liệu phóng xạ nóng chảy nào. Các tổ máy điện có lò phản ứng VVER-1200 tuân thủ nghiêm các yêu cầu an toàn sau thảm họa Fukushima của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Lò phản ứng đầu tiên trong số 4 lò phản ứng của nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay, sẽ có tổng công suất 4.800 megawatt điện, cung cấp khoảng 10% nhu cầu điện của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu của chính phủ, nếu nhà máy điện bắt đầu hoạt động từ hôm nay, có thể tự cung cấp đủ điện cho một thành phố khoảng 15 triệu dân, chẳng hạn như Istanbul.
Nhà máy ước tính trị giá 20 tỷ USD. Rosatom có 99,2% cổ phần trong dự án và được ký hợp đồng xây dựng, bảo trì, vận hành và ngừng hoạt động nhà máy.