Liệu đã đến lúc bàn về khả năng trở lại thị trường Nga?
Các cuộc đàm phán hòa bình làm dấy lên hy vọng về sự trở lại của các gã khổng lồ công nghiệp Hàn Quốc như Hyundai Motor trên thị trường Nga.
Các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ và Nga về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm ở Ukraine đã mang lại sự lạc quan thận trọng rằng các gã khổng lồ công nghiệp Hàn Quốc có thể nối lại hoạt động tại quốc gia lớn nhất thế giới này.
Triển vọng trên xuất hiện sau khi Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev nói với báo chí rằng các công ty Mỹ dự kiến sẽ quay trở lại đất nước của ông trong tương lai gần.
"RDIF hy vọng rằng một số công ty Mỹ sẽ quay trở lại thị trường Nga, sớm nhất là vào quý II năm nay", ông Dmitriev cho biết tại Riyadh hôm 18/2, sau khi tham gia các cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ tại thủ đô của Ả Rập Xê-út.
Ông Dmitriev không có mặt tại phần chính trị của cuộc họp ở Riyadh khi Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov ngồi cùng các quan chức Mỹ, nhưng ông lại dẫn đầu phía Nga về phần kinh tế trong cuộc họp song phương.

3 năm sau cuộc chiến ở Ukraine, gần 475 công ty nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga hoàn toàn. Ảnh: Getty Images
Những phát biểu của vị đại diện Nga đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào các bước tiếp theo của Hyundai Motor sau khi đình chỉ hoạt động tại nhà máy Saint Petersburg vào tháng 3/2022, một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sau đó, gã khổng lồ xe hơi Hàn Quốc đã bán nhà máy cho một công ty Nga vào tháng 12/2023 với giá 10.000 Rúp (112 USD), với tùy chọn ràng buộc là mua lại cơ sở này vào cuối năm nay.
Mặc dù nhà sản xuất ô tô tuyên bố rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng công ty vẫn liên tục nỗ lực bảo vệ quyền nhãn hiệu của mình tại Nga trong suốt thời gian cuộc xung đột tiếp diễn.
Vào tháng 1, công ty đã nhận được sự chấp thuận từ Cục Sở hữu Trí tuệ Liên bang Nga (Rospatent) về quyền tiếp tục sử dụng nhãn hiệu Hyundai tại đây. Tháng 8 năm ngoái, công ty Hàn Quốc đã nộp đơn lên Rospatent để đăng ký ít nhất 17 nhãn hiệu, bao gồm cả Genesis.
Không giống như nhiều công ty phương Tây, viện dẫn việc rời khỏi Nga hoặc đình chỉ hoạt động tại đó theo các điều khoản đạo đức, các công ty Hàn Quốc Hyundai Motor, Samsung và LG chỉ trích những thất bại trong việc cung cấp linh kiện là lý do chính khiến họ đình chỉ hoạt động tại Nga.
"Sau khi chiến sự kết thúc và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu bắt đầu quay trở lại Nga, Hyundai Motor rất có thể sẽ mua lại nhà máy tại Nga", nhà phân tích Kim Gwi-yeon của Daishin Securities cho biết.
Tuy nhiên, Hyundai Motor phải trả một khoản tiền tương đương với giá trị thị trường hiện tại của nhà máy. Trước khi bán, giá trị thị trường của nhà máy ước tính là 410 tỷ Won (286 triệu USD).
Sự phát triển của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại Nga được coi là một thách thức khác đối với nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc.
Các quan chức trong ngành dự đoán, Samsung Electronics và LG Electronics sẽ gặp khó khăn trong việc giành lại thị phần trước đây tại Nga từ các công ty Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus nếu các công ty công nghệ Hàn Quốc tái khởi động các nhà máy tại Nga, vốn đã bị đình chỉ từ năm 2022.
Giám đốc điều hành của RDIF cũng cảnh báo rằng các công ty Mỹ sẽ gặp khó khăn khi tái gia nhập thị trường Nga, vì nhiều phân khúc đã có người chiếm giữ.
Minh Đức (Theo Korea Times, Reuters)