Liệu hiệp ước toàn cầu có thể chống ô nhiễm nhựa?
Những cuộc đàm phán cuối cùng tại Hàn Quốc đang hướng tới một hiệp ước toàn cầu với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa đang gia tăng. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của dầu khí có thể phá hỏng thỏa thuận.
Chờ đợi hiệp ước lịch sử
Sau hai năm, đại diện từ khoảng 175 quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận và đưa ra giải pháp về những khác biệt trong cách thức giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong cuộc đàm phán cuối cùng diễn ra vào tuần này tại Busan, Hàn Quốc.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiệp ước sắp tới sẽ trở thành một trong những thỏa thuận quốc tế có ảnh hưởng nhất kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm nhựa đang ngày càng nghiêm trọng.
“Hiệp ước này sẽ là một "chính sách bảo hiểm" cho các thế hệ hiện tại và tương lai, giúp họ sống chung với nhựa nhưng sẽ không phải chịu đựng những hậu quả thảm khốc do ô nhiễm nhựa gây ra”, Inger Andersen, giám đốc điều hành UNEP.
Vào năm 2019, khoảng 350 triệu tấn rác thải nhựa đã thải ra Trái đất. Nhưng chỉ có 9% được tái chế. Phần lớn số nhựa còn lại được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hoặc thải ra môi trường, gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Khi bị loại bỏ, các sản phẩm nhựa bền, như ống hút dùng một lần, có thể tồn tại trong môi trường hàng trăm năm, gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, với khoảng 99% nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, việc sản xuất nhựa đang góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
Không dễ giảm sản xuất nhựa
Các nhà vận động môi trường đang kêu gọi các quốc gia xem xét giảm 40% sản lượng nhựa polyme toàn cầu vào năm 2040, theo đề xuất được đưa ra bởi Rwanda và Peru trong các cuộc đàm phán gần đây nhất tại Canada vào tháng 4.
Trong suốt vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất đến khi thải bỏ, chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của nó lên môi trường, như giảm sản lượng, thay thế bằng vật liệu thân thiện hơn và tăng cường tái chế.
Các công ty đa quốc gia sử dụng nhựa cho bao bì sản phẩm của mình đang thúc đẩy việc tăng cường tái chế nhựa, đặc biệt là thông qua việc phát triển các công nghệ tái chế hóa học hiệu quả hơn so với các phương pháp tái chế cơ học truyền thống.
Các tổ chức hoạt động vì môi trường như Greenpeace, kêu gọi hiệp ước tập trung vào việc nhanh chóng giảm sản lượng nhựa. Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050, một phần vì sản xuất nhựa nguyên sinh chi phí thấp hơn tái chế, đặc biệt là với nguồn cung khí đốt khai thác thủy lực dư thừa ở các nước như Mỹ.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch lại đang tích cực mở rộng sản xuất nhựa nguyên sinh để bù đắp cho sự suy giảm trong lĩnh vực năng lượng xanh. Hoạt động tái chế và quản lý chất thải không thể theo kịp sự bùng nổ trong sản xuất.
Christina Dixon, người đứng đầu Chiến dịch Đại dương tại Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) tại New York, đơn vị đang thúc đẩy hiệp ước, đã cảnh báo: “Hệ thống quản lý chất thải của chúng ta đang quá tải, và chúng ta đang đối mặt với một lượng nhựa dư thừa quá lớn”.
Ngoài ra, trong các cuộc đàm phán về hiệp ước nhựa toàn cầu, nhiều quốc gia sản xuất dầu đã phản đối các biện pháp hạn chế sản xuất nhựa, do lợi ích của họ có mâu thuẫn với các quy tắc như vậy.
Các quốc gia như Iran, Nga và Ả Rập Xê Út, nơi có ngành công nghiệp dầu mỏ phát triển mạnh, tập trung vào việc tăng cường tái chế nhựa thay vì giảm sản lượng. Họ lo ngại rằng việc cắt giảm sản xuất nhựa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dầu mỏ, một nguồn tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế của mình.
Mặt khác, Mỹ, một quốc gia có ngành công nghiệp nhựa và nhiên liệu hóa thạch lớn, đã thay đổi quan điểm trong các vòng đàm phán gần đây, khi ủng hộ mục tiêu giảm sản lượng nhựa. Tuy nhiên, quan điểm này có thể thay đổi khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách về khí hậu và thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Hiệp ước có thể giải quyết vấn đề?
Một số ý kiến cho rằng ngay cả các mục tiêu trong hiệp ước về rác thải nhựa cũng chưa đủ để giải quyết vấn đề. Đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực để nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đến năm 2050, việc mở rộng sản xuất nhựa có thể tạo ra lượng khí thải đủ lớn để chiếm ít nhất 21-31% ngân sách carbon còn lại, cần thiết để duy trì mức nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C. Greenpeace cảnh báo rằng để giữ được mục tiêu này, cần phải cắt giảm 75% sản lượng nhựa vào năm 2040.
Một báo cáo mới do Eunomia Research and Consulting thực hiện cho EIA cho thấy, mục tiêu giảm 40% lượng nhựa sản xuất vào năm 2040 chỉ có hiệu quả khi đi kèm với việc nâng cao tỷ lệ tái chế toàn cầu lên 63%. Tuy nhiên, ngay cả khi cả hai điều kiện này được đáp ứng, mục tiêu 1,5 độ C vẫn khó đạt được.
Báo cáo chỉ ra rằng ngành nhựa phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon và đạt đỉnh sản xuất vào năm 2025.
Mặc dù vậy, khi thời hạn đàm phán đang tới gần, các quốc gia vẫn còn mâu thuẫn về phạm vi và độ chặt chẽ của các quy định mới.