Liệu kinh tế Mỹ có rơi vào cuộc suy thoái mới?

Theo mô hình tính toán rủi ro suy thoái của Mỹ do Bloomberg Economics xây dựng, có 27% khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Con số này cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Mô hình dự đoán suy thoái của Bloomberg Economics xem xét tới một loạt số liệu liên quan tới kinh tế, thị trường tài chính và các áp lực tiềm ẩn. Để xác định kinh tế Mỹ liệu có rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hay không, mô hình của Bloomberg Economics tập trung phân tích các số liệu như báo cáo trợ cấp thất nghiệp hàng tuần. Đối với mốc 3 tháng, mô hình sẽ phân tích các biến số trên thị trường tài chính như chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm. Tương tự, mốc 6 tháng chủ yếu quan tâm đến chỉ số Conference Boards Leading Economic, và với mốc 12 tháng là chênh lệch giữa các chỉ số tài chính dài hạn, như chi phí lãi vay của doanh nghiệp so với lợi nhuận…

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất kể từ tháng 12/1969

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất kể từ tháng 12/1969

Tuy nhiên, chỉ số khác nhau lại phát tín hiệu cảnh báo tại những điểm khác nhau. Hiện tại, một số chỉ số như đường cong lợi suất trái phiếu chính đều phát tín hiệu cảnh báo, trong khi các chỉ số khác như mức tăng lương thực tế lại không cho thấy nguy cơ đáng kể.

Cụ thể, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đã rơi xuống dưới 0 hồi đầu năm nay và duy trì ở mức này trong phần lớn thời gian của 6 tháng qua. Trong 7 cuộc suy thoái gần nhất, đường cong lợi suất đều bị đảo ngược. Nhưng việc Fed đã có hai lần cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm, đồng thời bơm mạnh tiền vào nền kinh tế đã giúp đường cong đó thẳng trở lại trong thời gian gần đây. Vì vậy, có thể đây không còn là chỉ số cảnh báo suy thoái đáng tin cậy.

Trong khi đó, chỉ số biên lợi nhuận của doanh nghiệp lại dấy lên một số lo ngại khi suy giảm trong những tháng gần đây. Ngoài ra, một chỉ số khác phản ánh hoạt động của khu vực doanh nghiệp là chỉ số PMI tổng hợp sau khi phục hồi trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây vào tháng 8. Bên cạnh đó, chỉ số PMI của cả hai khu vực chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ đều đã giảm xuống sát ngưỡng thu hẹp (50 điểm) trong các tháng của quý III.

Trong bối cảnh khả năng sinh lời trong hoạt động kinh doanh đang suy giảm như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách cắt giảm chi phí, như giảm tuyển dụng, thậm chí sa thải nhân viên. Điều này có thể dẫn tới tình trạng chi tiêu tiêu dùng, hiện là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giảm sút.

Theo dữ liệu thống kê từ Bộ Thương mại, tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 chỉ tăng 0,1% so với tháng 7. Rủi ro sụt giảm tiêu dùng còn gia tăng do việc Mỹ áp đặt thêm thuế đối với các hàng hóa từ Trung Quốc. Trong tháng 9, Mỹ đã áp mức thuế quan 15% lên khoảng 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính rằng thuế quan mới này, cùng với kế hoạch áp thuế dự kiến thực hiện vào giữa tháng 12, sẽ khiến mỗi hộ gia đình ở Mỹ thiệt hại 1.000 USD/năm.

Một tín hiệu cảnh báo khác đó là tình trạng suy giảm của tăng trưởng kinh tế liên tục qua các quý. Năm 2019, kinh tế Mỹ có xu hướng tăng trưởng chậm lại, với tốc độ tăng trưởng GDP quý II đạt 2,1%, thấp hơn mức 3,1% của quý I. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay xuống còn 2,4% và trong năm 2020 là 2,1%.

Tuy nhiên, điểm tích cực là thị trường lao động vẫn cho thấy nhiều điểm sáng. Các cuộc suy thoái thường đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng trong tỷ lệ thất nghiệp. Một ví dụ cụ thể là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã đạt đỉnh 10% vào năm 2009. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, số người không có việc làm tại Mỹ có xu hướng giảm liên tục với tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 đạt 3,5%, thấp nhất kể từ tháng 12/1969. Ngoài ra, trước cuộc suy thoái năm 2007 - 2009, tăng trưởng lương giảm mạnh do nhu cầu về lao động giảm, tuy nhiên hiện tại tăng trưởng lương cơ bản mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng mức lương thực tế vẫn ở mức tốt.

Trong bối cảnh kinh tế đang phát đi các tín hiệu khác nhau như vậy, các chuyên gia phân tích của Bloomberg Economics cho rằng giới đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế nhưng chưa đến mức phải lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng thực sự.

Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng cam kết sẽ hành động để thúc đẩy tăng trưởng. Trên thực tế, Fed đã hạ lãi suất 2 lần trong năm nay và giới phân tích đang chờ một đợt hạ lãi suất khác sẽ được công bố trong cuộc họp chính sách ngày 29 - 30/10/2019 tới đây.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lieu-kinh-te-my-co-roi-vao-cuoc-suy-thoai-moi-93734.html