Liệu phương Tây có 'bật đèn xanh' cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga?

Nga cảnh báo Mỹ và các đồng minh phương Tây không đùa với 'lằn ranh đỏ' của Moscow liên quan khả năng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Nga ngày qua nắn gân Mỹ và các đồng minh phương Tây liên quan khả năng Washington tăng cường cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine và cho phép Kiev dùng loại vũ khí này tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Nga nắn gân phương Tây

Ngày 4-9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Mỹ cần hiểu rõ rằng bất kỳ quyết định nào về cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine đều vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moscow và có thể gây ra chiến tranh thế giới thứ ba, theo đài RT. Ông Lavrov nói rằng Mỹ “nên hiểu rằng lằn ranh đỏ của Nga không phải thứ để đùa giỡn” và Washington “biết rất rõ chúng nằm ở đâu”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Mỹ “có niềm tin sâu sắc rằng họ bất khả xâm phạm” và Washington đã “vượt qua lằn ranh đỏ mà chính họ đặt ra” trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điều này đang làm suy yếu các nguyên tắc ổn định chiến lược mà Moscow và Washington đã thống nhất từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ông Lavrov lưu ý.

 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov vẫn tin tưởng rằng tại Washington “vẫn còn những người biết suy nghĩ có tầm ảnh hưởng đáng kể” và biết xét tới lợi ích của Mỹ để đưa ra quyết định phù hợp liên quan vấn đề Ukraine.

Hồi cuối tháng 8, ông Lavrov cũng cảnh báo rằng phương Tây tự chuốc lấy nguy hiểm nếu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa như tên lửa Storm Shadow tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. “Phương Tây đang đùa với lửa. Họ giống như những đứa trẻ đang nghịch que diêm. Chúng tôi có học thuyết hạt nhân và hiện đang tinh chỉnh nội dung học thuyết này" - ông Lavrov tuyên bố.

Trong ngày 5-9, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev nêu quan điểm rằng Nga cần thiết lập một vùng đệm trên biên giới với Ukraine để đảm bảo không có vũ khí nào có thể bay qua và tấn công vào lãnh thổ Nga. “Nếu [Ukraine] muốn có các phương tiện tấn công tầm xa, chẳng hạn như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, thì vùng đệm này phải trải dài tới tận Ba Lan” – ông Medvedev cảnh báo.

Các bình luận trên được đưa ra sau khi hãng Reuters đưa tin rằng Mỹ sắp thống nhất thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa JASSM có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Mỹ chưa lên tiếng về thông tin này.

Trong khi đó, Ukraine ngày càng gia tăng sức ép lên phương Tây để cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đặc biệt trong bối cảnh Moscow gần đây liên tục không kích loạt tỉnh Ukraine gây thương vong lớn.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng những cuộc tấn công này chỉ có thể được ngăn chặn “bằng cách tấn công các sân bay quân sự, các căn cứ và hậu cần của Nga”. “Chúng tôi thảo luận về vấn đề này hàng ngày với các đối tác của mình. Chúng tôi thuyết phục và đưa ra các lập luận” - ông Zelensky nói.

 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

Ông Zelensky cho rằng việc xóa sổ các quả bom dẫn đường của Nga khỏi bầu trời Ukraine sẽ là “một bước đi mạnh mẽ buộc Moscow phải chấm dứt chiến sự và tìm kiếm một nền hòa bình công bằng”. “Chúng ta cần có khả năng thực sự và đầy đủ để bảo vệ Ukraine và người dân Ukraine. Chúng tôi cần sự cho phép của các bạn để sử dụng năng lực tầm xa [tấn công sâu vào lãnh thổ Nga]” - ông Zelensky kêu gọi.

Ngày 3-9, ông Zelensky cho hay ông đã kêu gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tăng cường vận động các đối tác phương Tây cấp cho "Ukraine quyền hạn và các phương tiện cần thiết để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ” của Nga. Theo Reuters, ông Zelensky dự kiến cũng sẽ đưa ra lời kêu gọi tương tự vào tháng tới khi ông trình bày kế hoạch chiến thắng của Ukraine với Tổng thống Mỹ Joe Biden và tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Mỹ trong tháng 9.

Phương Tây liệu sẽ cho phép Ukraine tấn công tầm xa Nga?

Theo tờ Newsweek, các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, đã vượt qua một số "lằn ranh đỏ” do Nga đặt ra, và mối quan hệ giữa Washington và Moscow sẽ ngày càng trở nên căng thẳng hơn nếu Mỹ tiếp tục viện trợ Ukraine. Washington đã cung cấp hơn 55,7 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ hồi năm 2022.

Tạp chí Foreign Policy đưa ra một số trường hợp trong quá khứ mà những “lằn ranh đỏ trở nên mờ nhạt đến mức không nhìn thấy". Hồi tháng 5, phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm tấn công toàn diện vào các mục tiêu ở Nga, cho phép Ukraine được tấn công các khu tập trung quân Nga ở phía bên kia biên giới nếu phát hiện lực lượng Moscow đang chuẩn bị tấn công tỉnh Kharkiv của Ukraine. Hoặc khi Ukraine tấn công tỉnh Kursk (của Nga), lực lượng Ukraine đã triển khai hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS chống lại lực lượng Nga nhưng Washington cũng không đưa ra phản ứng nào.

 Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành tại ở TP Pokrovsk, tỉnh Donetsk (Ukraine) đầu tháng 8. Ảnh: AFP

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành tại ở TP Pokrovsk, tỉnh Donetsk (Ukraine) đầu tháng 8. Ảnh: AFP

Tuy nhiên nếu nói đến chuyện cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga thì lại là chuyện khác.

Cần lưu ý đến các lý do Mỹ đưa ra nhằm hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công vào Nga. Ngay từ đầu Mỹ cho thấy quan điểm điều này có thể gây ra phản ứng leo thang từ Nga, cuối cùng sẽ gây ra nhiều tác hại hơn cho Ukraine và thậm chí có thể khiến Nga phải dùng đến vũ khí hạt nhân. Thời gian gần đây, nhiều quan chức Mỹ giấu tên nói rằng chính quyền hiện tại không muốn gây nguy hiểm cho việc "thiết lập lại" quan hệ với Moscow tại một thời điểm nào đó trong tương lai, theo Foreign Policy.

Bên cạnh đó, một số quan chức khác lập luận rằng việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS - một hệ thống tầm xa hơn HIMARS - chống lại các mục tiêu ở Nga sẽ không thay đổi bức tranh chiến lược vì không có đủ mục tiêu trong tầm bắn. Moscow đã di chuyển hầu hết các máy bay được sử dụng để phóng bom lượn đến các sân bay ngoài phạm vi 300 km của tên lửa ATACMS.

Gần đây, cũng có thông tin rằng Mỹ đã ngăn Anh và Pháp cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow bên ngoài lãnh thổ Ukraine.

Nga: Chỉnh lại học thuyết hạt nhân là do phương Tây

Ngày 4-9, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng Nga đang điều chỉnh học thuyết hạt nhân "trong bối cảnh các thách thức và mối đe dọa, do các quốc gia được gọi là phương Tây tập thể gây ra", theo hãng thông tấn TASS.

"Việc cập nhật học thuyết hạt nhân này là cần thiết do chương trình nghị sự hiện tại và tình hình thực tế rõ ràng xuất hiện do các hành động của phương Tây" - ông Peskov nói.

Ông Peskov liệt kê một số hành động của phương Tây gồm "từ chối đối thoại" và "theo đuổi chính sách xâm phạm lợi ích và an ninh của Nga", cũng như kích động xung đột ở Ukraine.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết những thay đổi mới nhất trong chiến lược hạt nhân của Nga sẽ liên quan các Nguyên tắc cơ bản của Chính sách quốc gia trên lĩnh vực răn đe hạt nhân.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lieu-phuong-tay-co-bat-den-xanh-cho-ukraine-dung-vu-khi-tam-xa-tan-cong-nga-post808488.html