Ông Scholz kiên quyết từ chối yêu cầu này của Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ không cung cấp tên lửa hành trình Taurus có khả năng tấn công tầm xa cho Kiev ngay cả khi các đồng minh NATO quyết định khác.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Olaf Scholz một lần nữa loại trừ khả năng cung cấp tên lửa chính xác tầm xa do Đức sản xuất cho Ukraine bất kể các đồng minh NATO đưa ra quyết định như thế nào.
Bình luận trên được người đứng đầu chính phủ liên bang Đức đưa ra hôm 14/9 khi ông trả lời các câu hỏi tại một sự kiện đối thoại với công dân ở thị trấn Prenzlau thuộc bang Brandenburg, miền Đông nước Đức.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu cung cấp vũ khí tầm xa để các lực lượng Ukraine có thể tấn công các sân bay quân sự và hậu cần của Nga ở xa phía sau tiền tuyến.
Ông Scholz cho biết, việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus sẽ kéo theo "nguy cơ leo thang lớn" cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn khoảng 500 km (310,6 dặm), nếu được cung cấp, loại vũ khí này có thể giúp Ukraine tấn công các mục tiêu ở tận Moscow.
"Tôi đã nói không với điều đó", ông Scholz kiên quyết. "Và tất nhiên điều đó cũng áp dụng cho các loại vũ khí khác có thể đạt tới khoảng cách xa như vậy". Ông cũng nhấn mạnh rằng quyết định này vẫn sẽ không thay đổi "ngay cả khi các quốc gia khác quyết định khác".
Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ám chỉ rằng Washington có thể dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các địa điểm sâu hơn trong lãnh thổ Nga.
Ông Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có cuộc hội đàm về chủ đề này tại Nhà Trắng vào chiều hôm 13/9, nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều không đưa ra bất kỳ quyết định nào về chủ đề này.
Cũng tại sự kiện ở Prenzlau, Thủ tướng Scholz cho biết Berlin muốn truy tố những kẻ thực hiện vụ tấn công vào đường ống dẫn khí Nord Stream.
"Đó là một hành động khủng bố", ông Scholz nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ của ông đã kêu gọi các cơ quan an ninh và công tố viên tiếp tục điều tra vụ việc.
"Chúng tôi muốn đưa những kẻ đã làm điều này ra tòa ở Đức, nếu chúng tôi có thể bắt được chúng", ông nói. Sẽ không có "sự khoan hồng" nào trong trường hợp này, Thủ tướng Đức tuyên bố.
Đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2 dưới Biển Baltic, vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu – vào bờ ở Đức, vốn đã là tâm điểm của căng thẳng địa chính trị theo sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các vụ nổ vào ngày 26/9/2022 đã gây thiệt hại lớn cho 3 trong số 4 nhánh của 2 đường ống.
Vào thời điểm trước khi các vụ nổ xảy ra, trong khi Nord Stream đang vận chuyển khí đốt tới Đức, Nord Stream 2 vẫn chưa từng đi vào hoạt động.
Trong diễn biến mới nhất liên quan vụ việc, hồi tháng 8, Đức đã ban hành lệnh truy nã một nghi phạm người Ukraine đã sống ở Ba Lan với cáo buộc phá hoại đường ống dẫn khí này. Nghi phạm vẫn chưa bị bắt.
Ông Scholz nhấn mạnh rằng Nga đã dừng cung cấp khí đốt qua đường ống trước vụ tấn công. Ông cũng cho biết việc thay thế khí đốt Nga bằng nguồn khác có thể khiến Đức thiệt hại đáng kể hơn 100 tỷ Euro (110,8 tỷ USD).
Minh Đức (Theo DW)