Liều thuốc chữa lành giữa thế giới phân mảnh

Chưa đầy 24 giờ sau khi thảm họa động đất xảy ra, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cử nhân viên cứu hộ đến thủ đô Naypyitaw, Myanmar. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Ấn Độ)

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cử nhân viên cứu hộ đến thủ đô Naypyitaw, Myanmar. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Ấn Độ)

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ngày 28/3 gây ra thảm họa nghiêm trọng cho Myanmar. Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin ngày 5/4, số người chết do trận động đất ở Myanmar đã tăng lên 3.354 người, trong khi 4.850 người bị thương và 220 người mất tích.

Giữa mất mát và thương đau, câu chuyện về tình người trong cộng đồng quốc tế từng vực dậy tinh thần của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước thảm kịch đầu năm 2023 một lần nữa được khơi dậy. Myanmar không đơn độc, thế giới dẫu có phân mảnh và bộn bề nhưng tình người là không có ranh giới và không mang theo toan tính.

Chưa đầy 24 giờ sau khi thảm họa xảy ra, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất. Sự cảm thông nhanh chóng biến thành hành động thực tế.

Trung Quốc cử đội cứu hộ gồm 82 người tới Myanmar trong ngày 29/3 và tiếp tục đưa đội tìm kiếm gồm 118 thành viên một ngày sau đó. Bộ Quốc phòng Ấn Độ triển khai lực lượng đặc nhiệm y tế gồm 118 thành viên cùng các thiết bị và vật tư y tế thiết yếu.

Hai máy bay Il-76 của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga chở 264 nhân viên cứu hộ đến Myanmar ngày 1/4. Liên minh châu Âu cung cấp 2,5 triệu Euro viện trợ khẩn cấp ban đầu. Mỹ công bố khoản hỗ trợ 2 triệu USD dành cho các tổ chức cứu trợ đang hoạt động tại Myanmar, cử thêm đội cứu trợ tới vùng thảm họa. Các cơ quan Liên hợp quốc như UNICEF, OCHA, WHO cũng huy động tối đa nỗ lực ứng phó khẩn cấp...

Lực lượng quốc phòng Việt Nam động viên mẹ của nạn nhân mất tích sau động đất. (Nguồn: Báo QĐND)

Đặc biệt, khi khó khăn ập đến lại càng làm sáng rõ tinh thần đoàn kết, anh em trong “mái nhà chung” ASEAN. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp khẩn theo hình thức trực tuyến, Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo được kích hoạt. Malaysia, Chủ tịch ASEAN 2025 cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan dự kiến thăm Myanmar vào ngày 5/4.

Không những chụm lại theo tinh thần “bó lúa vàng”, các quốc gia thành viên ASEAN còn phản ứng riêng lẻ bằng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, các đội cứu trợ hoặc chuyên gia đánh giá, hỗ trợ nhân đạo. Singapore triển khai đội cứu hộ gồm 80 thành viên, Malaysia lập nhóm cứu trợ thảm họa gồm 50 người, Philippines cử nhóm gồm 114 người, Lào cử đoàn công tác 33 người, Campuchia tuyên bố 100.000 USD viện trợ khẩn cấp ban đầu...

Với Việt Nam, ngày 30/3, hai chuyến bay mang số hiệu VJ2875 và VJ2877 chở hơn 100 chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng vũ trang và chó nghiệp vụ cùng hơn 60 tấn hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ đã đến thành phố Yangon dấn thân vào sứ mệnh chung giúp Myanmar đi qua cơn giông bão.

Lực lượng cứu hộ quốc tế với “ngôn ngữ chung” là tình người, tinh thần tương thân, tương ái có ở mỗi dân tộc, đang chạy đua với thời gian tìm kiếm phép màu dưới những đống đổ nát. Hiện công tác cứu trợ gặp nhiều trở ngại khi “thời gian vàng” cứu người sống sót khốc liệt trôi đi, một đợt gió mùa sắp đổ bộ vào Myanmar, rất có thể càng làm mọi thứ trầm trọng.

Nhưng chúng ta tin rằng vòng tay quốc tế sẽ không khuất phục, khi trao đi yêu thương và chia sẻ thì vết nứt nào cũng có thể được vá lành, ngay giữa thế giới phân mảnh với những thảm họa không báo trước.

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lieu-thuoc-chua-lanh-giua-the-gioi-phan-manh-309820.html