Cuộc gặp mặt ý nghĩa tháng tư

Theo ý tưởng của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, trong những ngày tháng tư tại Cần Thơ, Ban liên lạc 3 Trung đoàn bộ binh với những chiến công huyền thoại, có nhiều đóng góp vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tổ chức gặp mặt, kết nghĩa. Ba Trung đoàn bộ binh đó là: Trung đoàn 1 (Đoàn U Minh) thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9; Trung đoàn 88 (Đoàn Tu Vũ), Sư đoàn 302, Quân khu 7; Trung đoàn Bộ binh 1 (Đoàn Ba Gia), Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5).

Đại tướng Phạm Văn Trà (người thứ ba từ phải sang), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng gặp gỡ các cựu chiến binh tại Quân khu 9.

Đại tướng Phạm Văn Trà (người thứ ba từ phải sang), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng gặp gỡ các cựu chiến binh tại Quân khu 9.

Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1 (Đoàn U Minh) cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, năm 1960 phong trào cách mạng miền nam chuyển sang giai đoạn mới. Tỉnh Bến Tre và một số địa phương đồng khởi giành chính quyền, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam ra đời.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, vào ngày 23/9/1963, tại vùng căn cứ U Minh thuộc xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Trung đoàn Bộ binh 1 - Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ. Ngay từ khi mới thành lập, mặc dù lực lượng còn khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, nhưng với ý chí quyết tâm cao, Trung đoàn liên tục giành thắng lợi với các trận đánh tiêu biểu, địa danh nổi tiếng khắp vùng Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và trong chiến đấu giúp nước bạn Campuchia, góp phần xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Quân khu 9 và Sư đoàn 330 Anh hùng.

Trong những trận đánh lớn của trung đoàn, có trận đánh kết thúc chiến dịch Thu-Đông năm 1963, tiêu diệt chi khu Chà Là và lực lượng đổ bộ đường không của địch. Trung đoàn 1 và lực lượng vũ trang địa phương loại hơn 600 tên địch khỏi vòng chiến, bắn rơi 21 máy bay, thu 500 chiếc dù bọc và hàng trăm súng các loại. Đây là một trong bảy trận đánh lớn của Quân Giải phóng miền nam năm 1963. Trong vòng 15 tháng (từ ngày 25/6/1973 đến tháng 8/1974), trung đoàn tiến công tiêu diệt năm tiểu đoàn địch ở Cần Thơ khiến kẻ thù khiếp sợ. Từ năm 1969 đến năm 1974, trung đoàn loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16.000 tên địch, bắn chìm và cháy 140 tàu, bắn rơi và bị thương 34 máy bay, phá hủy 39 khẩu pháo, hàng trăm xe quân sự và kho tàng

Sau năm 1975, quân Pôn Pốt (Campuchia) đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắc Phú Quốc, hòn Ông, hòn Bà, trung đoàn nhận nhiệm vụ vượt biển khơi giải phóng hai hòn đảo, diệt và bắt sống hai tiểu đoàn địch. Năm 1978, Pôn Pốt thu quân đánh chiếm đảo Phú Cường (tỉnh An Giang), trung đoàn cùng Sư đoàn 330 tiêu diệt 1.225 tên địch, giải phóng núi Phú Cường. Đêm 31/12/1973, trung đoàn cùng đơn vị bạn tiến sâu vào đất Campuchia, đánh chiếm sân bay Pochentong, góp phần giải phóng thủ đô Phnom Penh. Sau đó, trung đoàn liên tục truy quét đánh địch, giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng được chính quyền, quân đội và nhân dân Campuchia thương yêu, biết ơn.

Trung đoàn vinh dự được Nhà nước ba lần tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (vào các năm 1973, 1975, 1989); tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì (năm 2013) và nhiều phần thưởng cao quý. Ngoài ra, ba tiểu đoàn, sáu đại đội và 26 cá nhân của trung đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, hai tiểu đoàn, một đại đội được phong tặng Anh hùng hai lần.

Theo Thượng tá Nguyễn Danh Hồng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 88 (Đoàn Tu Vũ), trung đoàn được thành lập ngày 1/7/1949 tại xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (nay là xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên). Tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950, các đơn vị của trung đoàn tiêu diệt và bắt khoảng 8.000 tên địch, thu 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng vùng biên giới từ huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cho tới Cao Bằng. Với những trận đánh nổi tiếng ở đồi Cốc Phòng, núi Trọc Ngà, điểm cao 477, trung đoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất; vinh dự được Bác Hồ đến thăm đơn vị tại chân đèo Lũng Phầy.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đợt 1 và đợt 2 tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, trung đoàn đánh 101 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.706 tên địch (trong đó có 2.087 lính Mỹ ), bắn rơi 27 máy bay, bắn cháy 194 xe tăng-xe bọc thép, bắt 26 tù binh, phá hủy 5 khẩu pháo 105 mm. Trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế từ cuối năm 1977 đến tháng 2/1979, trung đoàn loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 tên địch, bắt 600 tên, gọi hàng 1.400 tên, thu 200 súng các loại, 10 tấn đạn, 57 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh. Đơn vị đã giúp nước bạn Campuchia xây dựng chính quyền 92 phum, 8 xã, xây dựng 68 đội dân quân.

Với những thành tích và chiến công vang dội, nhiều tập thể, cá nhân của Trung đoàn 88 được tặng những phần thưởng cao quý. Trung đoàn được Đảng, Nhà nước ba lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được Bác Hồ hai lần đến thăm và tặng quà...

Đại tá Lý Văn Mười, nguyên Phó Trung đoàn trưởng về chính trị, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn Bộ binh 1 (Đoàn Ba Gia) cho biết: Trung đoàn Bộ binh 1 thành lập ngày 20/11/1963, tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, được xác định là đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu 5 và Sư đoàn. Trung đoàn tham gia 56 đợt hoạt động và chiến dịch, đánh hàng nghìn trận, tiêu diệt và gây thiệt hại: 2 chiến đoàn; 2 trung đoàn (ngụy); 22 tiểu đoàn; 75 đại đội; 90 trung đội Mỹ-ngụy; 4 chi đoàn tăng thiết giáp.

Các trận đánh tiêu biểu của trung đoàn có thể kể đến là trận Ba Gia ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (từ ngày 28 đến 31/5/1965), đánh bại 1 chiến đoàn ngụy có cố vấn Mỹ; trận Vạn Tường (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra ngày 18/8/1965, trung đoàn và lực lượng địa phương đánh bại chiến dịch “Ánh sáng sao” của Mỹ. Ta đánh với 8.000 quân Mỹ có xe tăng, xe bọc thép và các loại máy bay, tiêu diệt hàng nghìn tên địch…

Với những chiến công oanh liệt nêu trên, trung đoàn ba lần được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (vào các năm 1972, 1976, 1979). Hai tiểu đoàn của đơn vị, một đại đội đặc công trinh sát và chín cá nhân của trung đoàn cũng vinh dự nhận danh hiệu này .

LAN ANH Bài và ảnh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuoc-gap-mat-y-nghia-thang-tu-post870536.html