'Liều thuốc' nào để vực dậy doanh nghiệp nhỏ trên bờ vực?

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, bình quân mỗi tháng có 15 nghìn doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, trong đó phần lớn là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Để vực dậy các DN này trên bờ vực phá sản đòi hỏi cần phải có 'liều thuốc' tăng trưởng bền vững, và việc chuyển đổi số lấy hệ sinh thái làm trọng tâm có khả năng làm tăng tính hiệu quả kinh tế bền vững cho chính họ.

Là giám đốc của một DN nhỏ và vừa chuyên sản xuất trái cây sấy ở tỉnh Bình Dương, ông Thành than thở, khác với mọi năm trước đây, gần 10 tháng nay công ty hầu như không có đơn hàng xuất khẩu nào. Còn với thị trường trong nước, sản lượng bán ra của công ty sụt giảm đến 70 - 80% so với những năm trước.

Khó tránh rời khỏi “cuộc chơi”

Trao đổi với VnBusiness, ông Thành cho biết, do đầu ra khó khăn nên công ty tinh gọn bộ máy, cắt giảm lao động và sản xuất cầm chừng, thậm chí để không bị xếp vào nhóm nợ xấu của ngân hàng, buộc công ty phải bán bớt tài sản để trả nợ.

Các doanh nghiệp MSME ở Việt Nam cần hướng đến tăng trưởng bền vững, và việc chuyển đổi số lấy hệ sinh thái làm trọng tâm có khả năng làm tăng tính hiệu quả kinh tế bền vững cho chính họ.

“Dòng tiền của công ty rất eo hẹp, trong khi tình hình đơn hàng xuất khẩu và đầu ra ở thị trường nội địa vẫn chưa thật sự khả quan. Do nguồn tài chính hạn hẹp, lại lo ngại nguy cơ phá sản nên chúng tôi chưa thể mạnh dạn đầu tư máy móc mới để đa dạng hóa sản phẩm và thay đổi bao bì, cũng chưa tham gia nhiều vào quy trình chuyển đổi số. Cho nên, việc cạnh tranh trên thị trường càng thêm khó khăn”, vị giám đốc công ty trái cây sấy chia sẻ.

Thực tế cho thấy, những khó khăn của công ty nêu trên cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp MSME trong cả nước hiện nay. Và điều khó tránh khỏi là có không ít DN đã buộc rời khỏi “cuộc chơi”, số DN mở mới cũng hạn chế hơn.

Theo nhận định trong Báo cáo vĩ mô tháng 10/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC, bình quân một tháng có 15 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Do nhu cầu chưa hồi phục, quy mô số lượng DN mở mới bị thu hẹp.

Như số liệu trong 9 tháng 2023 trong cả nước cho thấy, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn DN (tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước); 46,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 26,9%); 13,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 4,3%).

Bộ phận phân tích của DSC cho rằng tuy lạm phát giảm nhẹ nhưng nền kinh tế chưa thực sự phục hồi là lý do cho sự giảm sút về số DN đăng ký mới. Quy mô sản xuất cũng như PMI (Chỉ số quản lý mua hàng) quay trở lại mức thu hẹp càng thể hiện rõ hơn về môi trường DN Việt Nam hiện nay.

Còn nhận định mới đây từ Tổng cục Thống kê, trong 3 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của DN nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới số lượng DN thành lập mới và DN ngừng hoạt động.

Như hồi năm 2021, bình quân một tháng có gần 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường (tăng 18% so với năm trước); 48,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 27,8%). Đến năm 2022, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn DN (tăng 34,3% so với năm trước); gần 50,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 5,5%); 18,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 11,2%).

Cần hướng đến tăng trưởng bền vững

Theo Tổng cục Thống kê, các biến động trên toàn cầu ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra của DN khiến đơn hàng sụt giảm, cạnh tranh gia tăng gây khó khăn cho cả DN đang hoạt động và sự hình thành của các DN mới.

Đáng chú ý, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số nhanh chóng, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của DN, dần dần trở thành điều kiện tiên quyết, là thách thức cho cả DN đang hoạt động và DN mới thành lập.

Riêng về vấn đề chuyển đổi số, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), khoảng hơn 90% doanh nghiệp MSME chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số DN chưa biết bắt đầu từ đâu.

Ngoài hạn chế về mặt nhận thức, MSME gặp nhiều khó khăn cản trở quy trình thực hiện chuyển đổi số hay chiến lược số của họ, bao gồm vấn đề về tài lực, nhân lực có kỹ năng số, năng lực quản trị, bảo mật thông tin…Không chỉ vậy, các MSME ở các vùng xa còn gặp hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng internet - “khoảng cách số” – hoặc chi phí vận hành cao hơn ngăn cản họ tiếp cận cơ hội kinh doanh.

Mặt khác, nhiều MSME do vẫn còn tương đối nhỏ và không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để tự phát triển và thực hiện chiến lược số hiệu quả. Hơn nữa, có những DN vẫn còn thiếu hiểu biết về lợi ích tiềm năng của chiến lược số, cũng như lo ngại về chi phí và nỗ lực cần bỏ ra để thực hiện.

Ts. Đặng Phạm Thiên Duy (Đại học RMIT) nhận định, việc chuyển đổi số lấy hệ sinh thái làm trọng tâm có khả năng làm tăng tính hiệu quả kinh tế bền vững cho các MSME ở Việt Nam. Ngoài ra, các MSME còn có thể nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và đơn vị chuyên môn, cũng như từ khách hàng và đối tác ở địa phương.

Ts. Huy cũng khuyến nghị các MSME không chỉ lấy khách hàng làm trọng tâm khi số hóa, mà nên mở rộng phạm vi ra để phát triển năng lực thấu hiểu và tương tác hiệu quả với các thành viên bên trong hệ sinh thái số của mình. Điều này bao gồm khả năng hiểu được các mối quan tâm và khó khăn của những người đồng hành cùng MSME trong quá trình chuyển đổi số, trong đó có chính quyền, các đối tác kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, hội ngành và khách hàng của mình.

Ngoài vấn đề chuyển đổi số, đứng ở góc độ của một công ty đã làm việc với hơn 250 DN để tư vấn hơn 110 dự án với tổng giá trị vượt 4,5 tỷ USD, bà Bình Lê Vandekerckove, nhà sáng lập và là Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tăng trưởng bền vững giúp mang lại những lợi thế cạnh tranh lớn nhất cho doanh nghiệp MSME trên thị trường, những nỗ lực cho việc này sẽ được đền đáp.

Theo bà Bình Lê, việc áp dụng tư duy bền vững vào thực tiễn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ và đơn giản nhất. Ví dụ như không “mua” người theo dõi trên các mạng xã hội để thổi phồng danh tiếng của DN hoặc không báo giá thấp để có được gói hợp đồng rồi sau đó tính thêm phụ phí cho khách hàng…

Cho nên, điều chờ đợi để vực dậy các doanh nghiệp MSME trong lúc khó khăn này nhằm thoát bờ vực phá sản là cần hướng đến kinh doanh bền vững, tăng trưởng bền vững, xem đây là nguyên tắc nền tảng để vận hành chính DN của mình. Họ cần áp dụng nguyên tắc này vào mọi khía cạnh hoạt động của DN.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lieu-thuoc-nao-de-vuc-day-doanh-nghiep-nho-tren-bo-vuc-1095942.html