'Liều thuốc trợ lực' cho nền kinh tế
Việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã và đang góp phần quan trọng để Việt Nam bảo đảm tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Trong 17 FTA đã được Việt Nam ký kết và thực thi thì EVFTA được đánh giá tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, DN và của nền kinh tế. Đây cũng được coi là “cứu cánh ” cho DN vượt khó khăn do dịch bệnh để sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường xuất khẩu với ưu đãi thuế quan lớn.
Đánh giá về tác động của EVFTA, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, EVFTA có thể góp phần hỗ trợ DN nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới, nếu DN biết khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp. Trong gần 400 ngày vừa qua kể từ khi có hiệu lực (ngày 1/8/2020), EVFTA đã cho thấy những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế giữa hai bên và sự sự tăng trưởng của Việt Nam mà những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.
TS Vũ Tiến Lộc phân tích, trong suốt 7 tháng năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm - 5,9% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dưới tác động của EVFTA, 5 tháng cuối năm 2020, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.
Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4,3% (cao hơn mức 3,7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này là 19,8%.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Cụ thể, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8%; nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.
Theo TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mặc dù Việt Nam đã lên nhiều kịch bản để ứng phó với dịch Covid-19, nhưng trong bất kể hoàn cảnh nào, DN cũng phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Bên cạnh những bất lợi, thì dịch Covid-19 cũng đem đến những cơ hội cho DN, khi Việt Nam có nhiều FTA, tạo điều kiện để các DN nâng cao hơn năng lực, đa dạng hóa thị trường, chinh phục các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản…
“Về dài hạn, các bộ, ngành, cũng như DN phải tái cấu trúc lại thị trường để không phụ thuộc quá vào một thị trường của khu vực, tái cấu trúc lại nguồn nguyên liệu để cho các ngành sản xuất trong nước ổn định hơn, mở rộng nguồn nguyên liệu này, thậm chí sản xuất ngay nguyên liệu từ trong nước” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA. Cụ thể là các ngành hàng: Dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản…
"Với những cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế, các chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật, yêu cầu nền tảng chuyển đổi số... tin rằng năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự tăng tốc của Việt Nam trong đó có hai khía cạnh hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lieu-thuoc-tro-luc-cho-nen-kinh-te-433359.html