Liệu Trung Quốc có vượt qua bẫy thu nhập trung bình?

Tờ The Edge Malaysia đăng bình luận của tác giả Nouriel Roubini, Giáo sư danh dự kinh tế tại Đại học New York về việc Trung Quốc đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình.

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 23/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 23/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024 vốn là cuộc họp thường niên cấp cao nhất giữa các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc với các giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách hiện tại và trước đây, cũng như các học giả, cuộc thảo luận tập trung vào nguy cơ Trung Quốc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Nhìn chung, rất ít nền kinh tế mới nổi có thể gia nhập thành công vào hàng ngũ của các quốc gia có thu nhập cao.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có phải là một ngoại lệ đối với mô hình này. Sau hơn 30 năm Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm gần 10%, nền kinh tế đã chậm lại đáng kể trong thập kỷ này. Ngay cả năm 2023, với sự phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ COVID-19, mức tăng trưởng chính thức của Trung Quốc chỉ đạt 5,2%.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3,4% vào năm 2028. Với các chính sách hiện tại của Trung Quốc, giới kinh tế phần lớn dự đoán tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ chỉ ở mức 3% vào cuối thập kỷ này. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc thực sự sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Hơn nữa, các vấn đề của Trung Quốc mang tính cơ cấu hơn là chu kỳ. Các yếu tố khác bao gồm tốc độ chậm lại của nền kinh tế do dân số già hóa nhanh, vỡ bong bóng bất động sản, nợ công và tư lớn (hiện gần 300% GDP)... Đầu tư dựa vào tín dụng đã tăng quá mức khi các ngân hàng quốc doanh chuyên hỗ trợ vay cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và chính quyền địa phương. Đồng thời, chính phủ đã chỉ trích lĩnh vực công nghệ và các doanh nghiệp tư nhân khác, làm xói mòn niềm tin kinh doanh và đầu tư tư nhân.Trong thời kỳ phi toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ mới này, Trung Quốc dường như đã đạt đến giới hạn của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Các biện pháp trừng phạt công nghệ có động cơ địa chính trị của phương Tây đang hạn chế sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao và làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự kết hợp giữa tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình trong nước cao và tỷ lệ tiêu dùng thấp, do bảo hiểm xã hội yếu và tỷ lệ thu nhập hộ gia đình thấp, đang cản trở tăng trưởng hơn nữa.Mô hình tăng trưởng cũ của Trung Quốc đã bị phá vỡ. Ban đầu, mức lương thấp có tính cạnh tranh quốc tế khiến nước này có thể dựa một phần vào sản xuất và xuất khẩu trước khi theo đuổi các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản. Giờ đây, Trung Quốc đang ủng hộ tăng trưởng chất lượng cao dựa trên sản xuất và xuất khẩu công nghệ tiên tiến, gồm xe điện, tấm pin mặt trời và các sản phẩm xanh và công nghệ cao khác, nhờ các ưu đãi tài chính dành cho các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, nếu không có sự gia tăng tương xứng về nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân, đầu tư quá mức vào các lĩnh vực này sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và bán phá giá trên thị trường toàn cầu.

Người dân chọn mua hàng trong siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 9/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân chọn mua hàng trong siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 9/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Nguồn cung dư thừa của Trung Quốc so với nhu cầu trong nước đã tạo ra áp lực giảm phát, làm tăng nguy cơ trì trệ kéo dài. Khi Trung Quốc vẫn còn nhỏ và nghèo, việc tăng mạnh xuất khẩu có thể kiểm soát được trên thị trường toàn cầu. Hiện nay, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên bất kỳ hành động phá bỏ công suất dư thừa nào cũng sẽ phải đối mặt với các mức thuế hà khắc hơn và chủ nghĩa bảo hộ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc cần một mô hình tăng trưởng mới tập trung vào dịch vụ trong nước bao gồm hàng hóa và tiêu dùng cá nhân. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP quá thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục nói về việc thúc đẩy nhu cầu trong nước, họ dường như không sẵn sàng áp dụng các chính sách tài chính và các chính sách khác cần thiết để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và giảm tiết kiệm phòng ngừa của hộ gia đình.

Tình hình đòi hỏi phúc lợi hưu trí lớn hơn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn hơn, bảo hiểm thất nghiệp, thường trú ở thành thị cho những người lao động nhập cư ở nông thôn hiện không được tiếp cận với các dịch vụ công, mức lương thực tế cao hơn được điều chỉnh theo lạm phát và các biện pháp phân phối lại lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước cho các hộ gia đình để họ có thể chi tiêu nhiều hơn.

Trong khi Trung Quốc rõ ràng cần nâng cao niềm tin của khu vực tư nhân và phục hồi tăng trưởng bằng một mô hình kinh tế bền vững hơn, thì vẫn chưa rõ các nhà lãnh đạo Trung Quốc có đánh giá đầy đủ những thách thức mà họ gặp phải hay không. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giám sát việc nền kinh tế quay trở lại chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thập kỷ qua, trong khi nhà cải cách theo định hướng thị trường nổi tiếng là Thủ tướng Lý Cường dường như đã bị gạt ra ngoài lề.

Ông Lý Cường không tổ chức họp báo theo thông lệ sau Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc gần đây, cũng không gặp gỡ toàn bộ phái đoàn nước ngoài tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc mới nhất. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình đã chủ trì gặp gỡ phái đoàn nhỏ hơn gồm các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài.

Cách giải thích dễ hiểu nhất về những tín hiệu này là Trung Quốc đang nhận ra rằng cần thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các tập đoàn đa quốc gia để khôi phục niềm tin của họ và thúc đẩy FDI, tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn đầu và tiêu dùng tư nhân.Điều quan trọng là các chính sách thực tế mà Trung Quốc theo đuổi trong năm tới sẽ cho thấy liệu nước này có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và quay trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn hay không.

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lieu-trung-quoc-co-vuot-qua-bay-thu-nhap-trung-binh/330969.html