Liệu Ukraine sẽ tổ chức bầu cử và nó diễn ra như thế nào?
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vì đã từ chối tổ chức bầu cử, đồng thời gọi ông là 'nhà độc tài' có tỷ lệ ủng hộ 'rất thấp'.
Trước đó, ông Trump tuyên bố rằng tỷ lệ ủng hộ ông Zelenskyy chỉ ở mức 4% và cho rằng Ukraine nên tổ chức bầu cử. "Đã lâu rồi chúng ta không có cuộc bầu cử nào", ông Trump nói hôm 18/2.
Những bình luận này được đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Ả Rập Xê Út, lần đầu tiên hai bên đối thoại trực tiếp kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra ba năm trước.

Một trạm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội ở Kiev, Ukraine vào năm 2019. Ảnh: NurPhoto
Phía Nga cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề tổ chức bầu cử ở Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với ông Zelenskyy, nhưng "tính hợp pháp" của ông Zelenskyy cần được xem xét.
Tuyên bố này phù hợp với lập luận mà Moscow đưa ra trong gần một năm qua nhằm đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của chính quyền Ukraine.
Theo hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelenskyy lẽ ra kết thúc vào ngày 20/5/2024. Tuy nhiên do cuộc xung đột và việc áp đặt thiết quân luật, cuộc bầu cử không thể diễn ra và nhiệm kỳ của ông được gia hạn theo quy định của luật pháp Ukraine.
Trong trường hợp cuộc xung đột chấm dứt và thiết quân luật được gỡ bỏ, Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine (CEC) sẽ chính thức tuyên bố khởi động chiến dịch bầu cử.
Bà Olha Aivazovska, người đứng đầu tổ chức giám sát bầu cử Opora, cho biết: "Sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ, một tiến trình bầu cử dân chủ, minh bạch và toàn diện sẽ được bắt đầu".
Theo quy định pháp luật, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sau 90 ngày kể từ thời điểm này, bầu cử quốc hội diễn ra sau 54 - 60 ngày, và bầu cử địa phương diễn ra sau 50 ngày.
Quá trình chuẩn bị thực tế có thể kéo dài hơn đáng kể do hậu quả của cuộc chiến, đòi hỏi phải khôi phục cơ sở hạ tầng bầu cử, cập nhật dữ liệu cử tri và điều chỉnh các quy trình tổ chức.
Khi đó, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để đảm bảo cuộc bỏ phiếu diễn ra an toàn, công bằng, không bị gián đoạn và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Một trong những thách thức lớn là số lượng người dân Ukraine bị di dời do xung đột. Theo Liên hợp quốc, hơn 6 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước và hiện đang tị nạn ở nước ngoài, trong khi 3,6 triệu người khác bị buộc phải di dời trong nước.
Ngoài ra, với khoảng 18% lãnh thổ vẫn đang bị Nga kiểm soát, hàng triệu người Ukraine đang sống trong các khu vực này sẽ khó có thể tham gia bỏ phiếu một cách bình thường.
Vấn đề địa điểm bỏ phiếu cũng gây đau đầu cho chính quyền Ukraine. Hàng nghìn tòa nhà công cộng, bao gồm nhiều trường học – những địa điểm thường được sử dụng làm điểm bỏ phiếu – đã bị phá hủy hoặc hư hỏng nghiêm trọng do các cuộc tấn công.
Việc xây dựng lại các địa điểm bỏ phiếu này có thể mất ít nhất một năm. Bà Aivazovska cho biết Ukraine có thể sẽ phải thông qua một đạo luật đặc biệt để thiết lập các quy định tổ chức bầu cử trong điều kiện hậu chiến, nhằm đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả của quá trình này.
Về các ứng cử viên tiềm năng, ngoài ông Zelenskyy, một số chính trị gia và nhân vật quân sự có thể tham gia tranh cử sau khi xung đột kết thúc. Cựu Tổng tư lệnh quân đội Valerii Zaluzhnyi được coi là đối thủ chính của ông Zelenskyy với tỷ lệ tín nhiệm cao.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Petro Poroshenko, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, thị trưởng Kiev Vitali Klitschko và một số chính trị gia khác cũng có thể cân nhắc tham gia tranh cử.
Tuy nhiên thời điểm và điều kiện để Ukraine tổ chức bầu cử vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải, khi đất nước này vẫn đang trong cuộc chiến với Nga.