Thụy Điển điều tra khả năng cáp biển Baltic lại bị đứt - EU tăng cường an ninh cho hệ thống cáp ngầm
Ngày 21/2, cảnh sát Thụy Điển cho biết đang điều tra khả năng cáp ngầm biển Baltic bị đứt ở ngoài khơi bờ biển Tây Nam nước này, khu vực ghi nhận nhiều vụ hư hại cáp ngầm trong những tháng gần đây.
Trong một tuyên bố, cảnh sát biển Thụy Điển cho biết đã nhận được thông tin về một vụ việc nhiều khả năng là cáp ngầm bị đứt và cơ quan công tố đã quyết định bắt đầu điều tra sơ bộ. Theo đó, một tàu của cảnh sát biển đã được điều đến hiện trường ngoài khơi đảo Gotland. Hiện vẫn chưa rõ loại cáp nào bị ảnh hưởng cũng như thời điểm xảy ra vụ việc.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson xác nhận về vụ việc đồng thời nhận định sự thiệt hại đối với bất kỳ cơ sở hạ tầng dưới biển nào đều đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh tình hình an ninh hiện tại.
Cáp ngầm là xương sống trong việc truyền tải dữ liệu Internet và năng lượng, kết nối các quốc gia thành viên châu Âu, các đảo với đất liền, và liên kết châu Âu với các khu vực khác trên thế giới. Cơ sở hạ tầng này chịu trách nhiệm cho 99% lưu lượng Internet xuyên lục địa, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc kết nối và hội nhập các thị trường điện của các quốc gia thành viên, bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng ổn định và thúc đẩy việc chuyển giao năng lượng tái tạo từ các khu vực ngoài khơi vào đất liền. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, một số tuyến cáp viễn thông và cáp điện ngầm, đặc biệt là các tuyến dưới biển Baltic đã liên tục gặp sự cố. Hầu hết là do tàu dân sự kéo neo.
Liên quan đến vấn đề này, cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas đã công bố một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường an ninh và khả năng phục hồi của hệ thống cáp ngầm, cơ sở hạ tầng quan trọng kết nối châu Âu với thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, kế hoạch bảo vệ toàn diện của EU được công bố tại Helsinki, Phần Lan, tập trung vào 5 lĩnh vực chủ chốt: phòng ngừa, phát hiện, ứng phó, phục hồi và răn đe.
Trong giai đoạn phòng ngừa, EU sẽ siết chặt các yêu cầu bảo mật, đồng thời tiến hành đánh giá rủi ro đối với hệ thống cáp ngầm. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư vào các tuyến cáp mới và thông minh sẽ giúp nâng cao khả năng dự phòng và khôi phục sau sự cố. Trong lĩnh vực phát hiện, EU đang tăng cường khả năng giám sát và theo dõi các vùng biển, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và các phương thức ứng phó kịp thời.
Để ứng phó và phục hồi, cơ chế xử lý khủng hoảng cấp của EU sẽ được cải thiện, giúp các quốc gia nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết khi xảy ra sự cố. Đồng thời, năng lực sửa chữa sẽ được củng cố để khắc phục thiệt hại trong thời gian ngắn nhất. Cuối cùng, để răn đe các hành động phá hoại cố ý, EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ các tuyến cáp ngầm. Sự kết hợp giữa các biện pháp này sẽ xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu, đảm bảo tính ổn định của các mạng lưới Internet và cung cấp năng lượng.
Các biện pháp bảo vệ sẽ được triển khai dần trong năm 2025 và 2026, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, các cơ quan của EU và các đối tác quốc tế. Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao EU cũng dự định công bố các báo cáo đánh giá và các công cụ hỗ trợ, nhằm bảo vệ hệ thống cáp ngầm trong tương lai.