Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích bị ảnh hưởng mưa lũ

Sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện Định Hóa có hàng trăm héc-ta đất lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Trong đó, nhiều diện tích bị vùi lấp, cuốn trôi đất màu, không thể tiếp tục gieo trồng. Vì vậy, việc cải tạo diện tích đất này để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là nhu cầu cấp thiết của các hộ dân.

Thửa ruộng cấy lúa của người dân xã Quy Kỳ (Định Hóa) bị sỏi đá vùi lấp, gây khó khăn cho việc cải tạo, gieo trồng trở lại.

Thửa ruộng cấy lúa của người dân xã Quy Kỳ (Định Hóa) bị sỏi đá vùi lấp, gây khó khăn cho việc cải tạo, gieo trồng trở lại.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dương (Định Hóa), cho biết: Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước trên sông Chợ Chu dâng cao, chảy siết nên nhiều diện tích ruộng cấy lúa của bà con bị thiệt hại, trong đó một số thửa ruộng bị đất đá vùi lấp. Với những diện tích này, ngoài thiệt hại về lúa, hoa màu thì khả năng cải tạo lại đất để tiếp tục gieo cấy lúa, rau màu của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, ở những ruộng lúa bị đất đá vùi lấp ít, bà con đang cải tạo bằng việc vận chuyển sỏi đá đi nơi khác và đổ thêm lớp đất màu lên trên. Tuy nhiên, việc tìm được nguồn đất màu bảo đảm cho việc gieo cấy lúa là rất khó nên một số diện tích ruộng phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp sau khi cải tạo đất.

Cũng giống như xã Tân Dương, hàng chục hộ dân ở xã Quy Kỳ có ruộng nằm dọc bờ suối bị vùi lấp, cuốn trôi đất màu, hiện chỉ còn lớp đất nền cứng nên rất khó khăn trong việc cải tạo để gieo cấy lúa. Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, chia sẻ: Sau đợt mưa lũ vừa qua, trong xóm có hàng chục gia đình bị ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, với diện tích khoảng 3ha. Trong đó có khoảng 2ha có thể cải tạo, gieo cấy lúa trở lại, còn hơn 1ha không thể cải tạo để trồng lúa do bị cuốn trôi toàn bộ lớp đất mặt.

Để cải tạo, canh tác được, bà con phải lấy đất từ nơi khác về để san gạt, nâng cao cốt nền, nhưng với một số thửa ruộng không thể đưa máy móc vào để cải tạo. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, đối với đất lúa không thể tự ý san gạt, thay đổi hiện trạng nên bà con gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo một số thửa ruộng bị ảnh hưởng nặng.

Còn ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, cho biết: Những ruộng lúa bị ảnh hưởng trên địa bàn xã chủ yếu nằm ở rìa suối, với tổng diện tích trên 9ha. Trong đó, không ít thửa ruộng không thể đưa máy móc, phương tiện vào nên việc cải tạo của bà con gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đối với diện tích bị ảnh hưởng ít, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con nông dân cải tạo để tiếp tục gieo cấy lúa. Đối với diện tích ruộng bị vùi lấp nhiều hoặc cuốn trôi toàn bộ lớp đất mặt (đất màu), không có khả năng gieo cấy lúa, bà con có kiến nghị về việc cải tạo để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Diện tích đất ruộng bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn huyện khá lớn, với trên 800ha lúa, hoa màu. Hiện nay, các xã đã hướng dẫn bà con nông dân cải tạo để tiếp tục gieo cấy lúa. Đối với những thửa ruộng bị cuốn trôi lớp đất màu hoặc sỏi đá vùi lấp, bà con sẽ cải tạo dần, bảo đảm phù hợp với gieo trồng các loại cây hàng năm.

Tuy nhiên, để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, các hộ dân không được tự ý đổ đất cải tạo ruộng lúa, mà cần có đơn gửi UBND cấp xã. Trên cơ sở đánh giá từng trường hợp cụ thể, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn bà con triển khai việc cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cây trồng linh hoạt, phù hợp, không để đất hoang hóa...

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/linh-hoat-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-voi-dien-tich-bi-anh-huong-mua-lu-20102ad/