Linh hoạt quy trình nộp thuế hỗ trợ các hộ kinh doanh
Từ năm 2026, hộ kinh doanh (HKD) sẽ chấm dứt cơ chế thuế khoán, thay bằng tự kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế, song các cơ quan liên quan cần thực hiện linh hoạt để hỗ trợ các HKD phát triển.

Hỗ trợ hộ kinh doanh ứng dụng máy móc tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: TTXVN
Áp dụng linh hoạt
Hàng chục nghìn HKD nhỏ lẻ bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo Nghị định 70/2025/CP. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai (từ ngày 1/6) nhiều HKD vẫn “loay hoay” trước các quy định mới, áp lực chi phí, rào cản công nghệ.
Gắn bó gần 20 năm với nghề buôn bán phụ tùng ô tô, bà Nguyễn Thị Khánh Ly, chủ HKD Phạm Gia (Hà Nội) cho biết, trước đây phần lớn HKD đều nộp thuế khoán theo hình thức áp mức thuế cố định hàng tháng, không phải ghi chép sổ sách hay kê khai doanh thu chi tiết. Tuy nhiên, theo Nghị định 70, các giao dịch đều phải xuất hóa đơn, mọi khoản thu đều phải kê khai minh bạch, trong khi năng lực quản lý và hạ tầng công nghệ của các HKD nhỏ, chưa thể đáp ứng ngay. Việc cải cách là đúng hướng, nhưng cần có lộ trình phù hợp với thực tiễn.
Kết quả khảo sát mới nhất với gần 1.400 HKD của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, việc triển khai HĐĐT từ máy tính tiền theo Nghị định 70 tạo ra nhiều áp lực cho HKD nhỏ. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, có tới 94% HKD đã nắm được nội dung Nghị định 70, nhưng chỉ 11% HKD thực sự hiểu rõ nghĩa vụ của mình, 51% HKD chưa từng liên hệ với cơ quan Thuế.
Kết quả khảo sát cũng phản ánh những khó khăn chính HKD đang gặp phải khi triển khai HĐĐT. Trong đó, tình trạng thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ chiếm tỷ lệ cao nhất là 73%; 53% lo ngại thủ tục phức tạp; 49% gặp rào cản trong thay đổi thói quen kinh doanh; 37% thiếu thời gian tìm hiểu và không có đủ vốn đầu tư thiết bị. Ngoài ra, một bộ phận HKD cũng bày tỏ lo ngại về bảo mật dữ liệu khi chuyển sang môi trường số.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Kế toán dịch vụ và Hộ kinh doanh, Công ty CP MISA chia sẻ, mô hình HKD đa dạng, từ những tiểu thương buôn bán tại chợ hơn 40 năm, đến thế hệ Gen Z kinh doanh online. Song thực tế, các HKD vẫn thu tiền mặt, ghi chép bằng sổ tay, khiến việc phân biệt giữa dòng tiền kinh doanh và tiền cá nhân khó khăn. Trong khi đó, để xuất hóa đơn đầu ra đúng quy định, cần có hóa đơn đầu vào. Đây lại là “điểm yếu” của nhiều HKD hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), tâm lý lo lắng của các HKD là dễ hiểu. Việc bỏ thuế khoán, áp dụng HĐĐT, chống gian lận… đều là cải cách đúng hướng nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, nâng cao nghĩa vụ thuế. Nếu triển khai cứng nhắc, thiếu lộ trình phù hợp sẽ gây ra hiệu ứng ngược, đặc biệt với nhóm tiểu thương, ở vùng sâu, vùng xa, những nơi việc đầu tư thiết bị, phần mềm, đường truyền internet đang là rào cản lớn. Hóa đơn giấy in từ máy được công nhận hợp lệ khi đăng ký với cơ quan Thuế hiện nay cũng cần có hướng dẫn rõ ràng để người kinh doanh yên tâm triển khai…
Đơn giản quy trình nộp thuế
Để gỡ khó cho HKD khi áp dụng HĐĐT, ông Trần Quốc Khánh, Thường trực Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cần đặt lợi ích chính đáng của các HKD làm trọng tâm trong triển khai chính sách, nhất là đơn giản hóa tối đa quy trình nộp thuế. Khi HKD đã kết nối máy e-POS với cơ quan Thuế, mọi giao dịch đã được ghi nhận. Cục Thuế có thể tự động tổng hợp doanh thu và gửi một thông báo thuế cho HKD vào cuối tháng, tương tự như cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân, HKD chỉ cần kiểm tra và bấm nút nộp tiền.
Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ tài chính thiết thực, vì một máy tính tiền có khả năng kết nối trực tiếp với cơ quan Thuế có giá khoảng 10 - 11 triệu đồng là khoản đầu tư lớn với HKD nhỏ. Nhà nước nên xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí này, vì nguồn thu tăng thêm trong tương lai có thể bù đắp. Về chi phí xuất hóa đơn, các nhà cung cấp máy đang thu khoảng 210 đồng cho mỗi HĐĐT. Con số này lớn đối với các mặt hàng giá trị thấp. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và cần phải quản lý chặt chẽ để các nhà cung cấp không được thu khoản phí này, nhằm giảm gánh nặng cho HKD.
Ngoài ra, cơ quan Thuế cần có giai đoạn chuyển đổi linh hoạt. Thời gian chuyển đổi trong 6 tháng hay 1 năm là quá ngắn. Cần một giai đoạn đệm từ 2 - 3 năm để HKD thích nghi. Trong thời gian này, cần thực hiện 2 nguyên tắc: Không truy thu thuế quá khứ và không phạt các sai sót nhỏ, thay vào đó là hướng dẫn, nhắc nhở, nhằm giúp HKD yên tâm chuyển đổi; đồng thời, cân nhắc lại ngưỡng doanh thu chịu thuếhợp lý, đây là điểm cốt lõi bởi mức doanh thu 200 triệu đồng/năm không phải chịu thuế hiện là quá thấp và chưa công bằng nếu so với người làm công ăn lương.
“Những bất cập là động cơ để HKD che giấu doanh thu. Do đó, cần nghiên cứu nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế cho HKD, có thể lên 2 tỷ đồng/năm để tương xứng với mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.