Gỡ điểm nghẽn môi trường – Hãy bàn làm, không bàn lùi

Chỉ thị số 20/CT-TTg (ngày 12/7/2025) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có thể được coi là một cuộc cách mạng nhận thức về lĩnh vực bảo vệ sự trong lành cho mặt đất và bầu trời của Tổ quốc.

Thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí cao. Ảnh: TTXVN

Thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí cao. Ảnh: TTXVN

Chỉ thị số 20/CT-TTg (ngày 12/7/2025) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngay từ tên gọi đã thể hiện sự “cấp bách, quyết liệt” và có thể được coi là một cuộc cách mạng nhận thức về lĩnh vực bảo vệ sự trong lành cho mặt đất và bầu trời của Tổ quốc.
* Quyết tâm cao độ
Vào năm 1991 Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991 - 2000.
Từ đấy về sau, quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững liên tục được nêu ra trong các chiến lược, kế hoạch.
Trong số này có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2025. Dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong giai đoạn 2015 - 2030 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9/2015, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg “Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có 4 mục tiêu trực tiếp về bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá rằng việc bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu.
Cụ thể, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững đã được nghiêm túc thực hiện; việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng tiết kiệm và hợp lý; công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều chuyển biến tích cực; Việt Nam là nước đang phát triển, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức độ còn thấp so với mức trung bình của thế giới.
Một số chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch: tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2020 đạt khoảng 90%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt 90,2%, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 90%, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 khoảng 42%...
Tuy nhiên, theo Chỉ thị 20/CT-TTg, cho tới giữa năm 2025, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề... Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.
Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghiêm khắc yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các “điểm nghẽn”, hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường...
Sự quyết liệt trong Chỉ thị số 20/CT-TTg thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề tác động sâu sắc đến nhiều ngành, địa phương, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người.
Để quyết sách dũng cảm này được hiện thực hóa theo đúng thời hạn cụ thể đã được nêu ra thì sự quyết tâm cao độ cũng cần được thể hiện rõ từ phía người thực hiện, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
* Hà Nội đã sẵn sàng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, khoảng hơn 56% lượng ô nhiễm không khí tại địa phương là do các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cũ. Tại Thủ đô có khoảng gần 7 triệu mô tô, xe gắn máy chưa được kiểm soát khí thải, khoảng 800.000 ô tô sử dụng xăng, dầu… Điều này cùng nhiều nguyên nhân khác nữa khiến cho trong thời gian gần đây Hà Nội nhiều lần đứng thứ 2 toàn cầu về mức độ ô nhiễm không khí.

Hà Nội sẽ cấm xe xăng tại vành đai 1. Ảnh minh họa: TTXVN

Hà Nội sẽ cấm xe xăng tại vành đai 1. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, Điều 28 của Luật Thủ đô năm 2024 nêu rõ Hà Nội có trách nhiệm quy định tiêu chí, phạm vi vùng phát thải thấp; quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch.
Trong Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Hà Nội không bất ngờ và bị động trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, để sớm đưa các quy định của Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, vào cuối năm 2024 thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định vùng phát thải thấp và xác định các quy trình, quy định liên quan tới thiết lập vùng phát thải thấp. Hà Nội đã dự kiến thí điểm vùng phát thải thấp tại một số khu vực trung tâm.
Chỉ thị 20/CT-TTg tương đồng với Luật Thủ đô 2024, cũng có những điều khoản rất cụ thể trong việc triển khai Điều 28 về lĩnh vực môi trường với mục tiêu được xác định là Hà Nội sẽ phải kiểm soát các vùng phát thải thấp.
Hà Nội đang tập trung nghiên cứu và triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát phát thải phương tiện theo Luật Thủ đô và Chỉ thị 20/CT-TTg. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt với người dân đang sử dụng mô tô, ô tô chạy bằng xăng, dầu tại trung tâm Thủ đô.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ ban hành các chính sách đồng bộ có sự tham gia của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, nhằm kêu gọi sự chung tay từ các nhà sản xuất, cung ứng phương tiện. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, cung cấp phương tiện xanh với mức giá ưu đãi, hỗ trợ một phần chi phí chuyển đổi, bảo đảm người dân dễ tiếp cận và lựa chọn.
Thành phố cũng nghiên cứu các chính sách tài chính miễn hoặc giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký đối với phương tiện sử dụng năng lượng xanh, kể cả ô tô và xe máy. Còn các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ được kiểm soát chặt hơn theo hướng hạn chế lưu thông và khuyến khích thay thế, bảo đảm sự hài hòa và khả thi trong quá trình chuyển đổi.
Đồng thời với việc chuyển đổi sang xe điện, Hà Nội chủ trương phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, đặc biệt là trạm sạc. Trước mắt, tại khu vực Vành đai 1 hệ thống trạm sạc sẽ được chuẩn hóa trong quy hoạch, triển khai mạnh mẽ theo hình thức đầu tư công kết hợp xã hội hóa. Việc này không chỉ bảo đảm nhu cầu sử dụng mà còn yêu cầu cao về an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ – đặc biệt liên quan đến pin xe điện.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong lộ trình giai đoạn 2030-2035, thành phố sẽ xây dựng khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 28/5/2025 về triển khai Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải. Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt được trợ giá với hơn 2.000 xe, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện.
* Đồng thuận và đồng lòng
Nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành vi lành mạnh. Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sống sẽ khiến con người thay đổi thói quen không còn phù hợp với thời đại, xếp mục tiêu “tiện” dưới tiêu chí “sạch”, “sống vì cộng đồng”.
Đó là lý do vì sao Chỉ thị 20/CT-TTg giao cho Thông tấn xã Việt Nam cũng như một số cơ quan báo chí lớn nhiệm vụ “phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến để đổi mới về nội dung, hình thức, ưu tiên dành thời lượng hằng ngày, xây dựng chuyên mục hằng tuần trong khung thời gian thuận tiện theo dõi để tuyên truyền các cơ chế, chính sách, pháp luật, công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, các mô hình, kinh nghiệm giải quyết ô nhiễm môi trường trên thế giới và trong nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng thuận và thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân".
Nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, chúng ta hiểu rằng Hà Nội có nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg và Luật Thủ đô chứ không chỉ mỗi việc thay đổi nhiên liệu cho phương tiện giao thông cá nhân, lại càng không có chuyện “hoán đổi đơn thuần” – “hô biến” 7 triệu mô tô xăng thành 7 triệu mô tô điện. Mục tiêu sau cùng chính là việc hạn chế xe cá nhân (cả mô tô lẫn ô tô) để chuyển sang sử dụng chủ yếu phương tiện giao thông công cộng.
Trước bất cứ một chủ trương chính sách nào tác động đến hàng triệu người dân, những băn khoăn, lo ngại là điều tất yếu. Nhưng điều quan trọng là khi xác định mục tiêu đúng, chúng ta cần có sự đồng lòng quyết tâm thực hiện. Ô nhiễm trong nội đô có nguyên nhân chủ yếu do khí thải từ phương tiện giao thông - gần như không có ý kiến nào bác bỏ, nhưng để thay thế bằng phương tiện chạy điện thì lại xuất hiện quan điểm "gàn" thái quá, thổi phồng những lo ngại. Chưa kể, chúng ta cũng cần cảnh giác trước các đối tượng phản động luôn thông tin chống phá bằng mọi cách dù không có căn cứ xác đáng. Trong khi đó, ngay ở bên cạnh chúng ta, Trung Quốc đã rất thành công trong giảm ô nhiễm ở các thành phố lớn nhờ một trong những giải pháp là chuyển đổi xe điện, không chỉ giảm ô nhiễm không khí mà cả ô nhiễm tiếng ồn từ các phương tiện giao thông.
Chúng ta cũng có những bài học như khi triển khai các chủ trương về đội mũ bảo hiểm, không ít ý kiến bày tỏ những sự bất tiện với khí hậu nóng bức, rồi không phù hợp với đồng bào dân tộc Thái có phong tục búi tóc (tằng cẩu). Hay khi triển khai quy định nồng độ cồn bằng 0 với người lái xe, cũng có ý kiến nêu sự bất tiện với tập quán chào nhau 1-2 chén rượu của người dân, đề nghị có một mức cho phép nhất định... Nhưng thực tế, các chủ trương này khi được quyết tâm triển khai đã thay đổi hẳn ý thức của người dân, thay đổi nếp sinh hoạt hằng ngày theo hướng có lợi.
Bởi vậy, hãy hiện thực hóa chỉ thị của Thủ tướng "chỉ bàn làm, không bàn lùi"!

Trần Quang Vinh/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-diem-nghen-moi-truong-hay-ban-lam-khong-ban-lui/380601.html