Linh hoạt trong nắm bắt, đánh giá học sinh
Hiện nay, dạy học online không còn là thách thức quá lớn đối với giáo viên phổ thông. Thực tế, nhiều thầy cô đã có những cách dạy học tích cực, khắc phục khó khăn trong đại dịch.
Ứng biến linh hoạt trong bối cảnh đại dịch
Hiện nay, dạy học online đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, và cũng gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Mới đây nhất, trên nghị trường Quốc hội chủ đề này đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
Cô Lê Thị Phương và thầy Trần Văn Huy luôn trăn trở để nâng cao chất lượng dạy học online. Ảnh: Quang Hùng
Đơn cử, trong ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, thời gian qua, toàn ngành giáo dục và giáo viên đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến giữa muôn vàn khó khăn. Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến…
Đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Hà cho thấy được phần nào việc dạy và học trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy học online là cách ưu việt nhất để giáo dục thích ứng tốt trong bối cảnh đại dịch và mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh vượt ra khỏi khuôn khổ của lớp học, nhà trường. Với những nhà giáo hằng ngày dạy online như cô Lê Thị Phương - giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội thì đến thời điểm này, hình thức dạy học trực tuyến cũng đã trở nên quen thuộc.
Dịch COVID-19 khiến học sinh không được đến trường tương tác trực tiếp đã cản trở lớn đến việc tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ. Tuy nhiên, cô Phương đã sớm nhận thức được rằng: “Có rất nhiều sự thay đổi trong cuộc sống ở tương lai nên việc học online của các em học sinh cũng chính là quá trình để các em chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Các thầy cô cũng sẵn sàng ứng phó với tình huống mà cuộc sống đặt ra để giúp các em có thể tăng cường kiến thức, kỹ năng và thái độ”.
Chính vì xác định dạy học online là cách ứng biến linh hoạt đối với cuộc sống trong đại dịch nên hằng ngày cô Phương luôn tìm tòi, học hỏi, thay đổi để mỗi giờ dạy của cô đạt yêu cầu. Với đặc thù dạy Ngữ Văn, môn học cần sự truyền cảm hứng qua các tác phẩm, từ thời điểm đầu dạy học online, cô Phương luôn nghĩ về những vấn đề nan giải mà cô phải đối diện, nhất là việc làm sao phải đảm bảo được sự sâu lắng trong mỗi giờ Ngữ Văn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào dạy học online thì những trở ngại đó đã dần dần được hóa giải. Cô Phương chia sẻ rằng, trong dạy học online, học sinh vẫn có khả năng tiếp xúc, đồng sáng tạo với cô giáo khi tiếp xúc với các tác phẩm văn học và các em vẫn có niềm hứng khởi không thể giấu giếm trong học tập.
Cô Phương còn cho rằng, những gì đang trải qua là kịch bản nằm ngoài sự hình dung của chúng ta cách đây 3 năm. Thế nhưng, ngay từ đầu khi dạy học online cô trò đã chuẩn bị tâm thế mình không học tạm mà học thật. Mình đang tranh thủ thời gian để học. Bởi cô Phương và học sinh của mình xác định: “Sau đại dịch, chúng ta có thể dễ dàng lấp đầy bụng rộng nhưng đầu rỗng rất khó để lấp đầy lại. Thế giới không chờ đợi chúng ta phải ổn rồi mới học, nên việc dạy học là nhiệm vụ, sứ mệnh của thầy cô”.
Cũng như cô Phương, thầy Trần Văn Huy - Tổ trưởng Tổ tự nhiên của Trường THPT Phan Huy Chú cũng nhanh chóng tự làm mới bản thân để thích ứng với dạy học trong giai đoạn COVID-19.
Thầy Huy chia sẻ rằng, có nhiều biến đổi trong phương pháp giảng dạy từ dạy truyền thống đến dạy học online nhưng do nhà trường nơi thầy Huy công tác đã có sự chuẩn bị công nghệ thông tin từ trước, thầy trò cũng đã làm quen với kết nối online nên khi chuyển trạng thái không gặp quá nhiều khó khăn.
Thầy Huy chia sẻ rằng, khác biệt lớn nhất trong dạy học trực tuyến với truyền thống chính là sự tương tác giữa thầy và trò. Việc tương tác thông qua hệ thống camera sẽ có thách thức nhất định. Để tăng sự hứng khởi cho bài học, thầy Huy đã thay đổi cách thức truyền đạt như việc không độc diễn quá lâu, tăng cường trao đổi làm sao để học sinh cảm nhận được sự thú vị của bài học. “Việc soạn bài đối với dạy học online vất vả hơn nhiều so với dạy học truyền thống, giáo viên phải tính toán kỹ càng giáo án, nếu thầy cô không có giải pháp tốt học sinh dễ nản, dễ mất kiểm soát lớp học. Đây là thách thức đối với giáo viên” – thầy Huy chia sẻ.
Linh hoạt trong nắm bắt, đánh giá học sinh
Một trong những vấn đề khó khăn đối với dạy học trực tuyến theo nhiều giáo viên chính là việc đánh giá việc tiếp thu bài học của học sinh. Việc đánh giá đúng chất lượng dạy học sẽ giúp cho thầy cô điều chỉnh phương pháp, hỗ trợ được học sinh tốt hơn.
Dạy học online không còn là giải pháp tạm thời. Ảnh: Quang Hùng
Cũng như nhiều giáo viên khác, cô Lê Thị Phương luôn trăn trở, quan tâm đến mối quan hệ đầu vào và đầu ra trong giáo dục. Cô Phương luôn quan tâm, xem xét việc học sinh tiếp nhận kiến thức, làm chủ kiến thức và luôn có sự đánh giá một cách phù hợp quá trình học của các em. “Khi dạy học phải chia làm các hoạt động nhóm để học sinh có sự đánh giá lẫn nhau và giáo viên đánh giá học sinh. Cho nên, thực tế dạy học việc đánh giá trở nên đa dạng, nhiều chiều, thiết thực. Sau khi học, sẽ yêu cầu học sinh có bài viết để các em thể hiện trình bày tư tưởng quan điểm của mình. Học văn chính là sự đối thoại về tư tưởng. Dạy online rất tuyệt vời bởi việc đánh giá không bị khuôn cứng mà cũng rất linh động” - cô Phương chia sẻ.
Với thầy Trần Văn Huy, để có giải pháp kiểm tra, đánh giá qua online tốt, hoàn hảo là điều khó khăn. Bởi cùng một lúc không thể nào có quan sát được số đông học sinh. Nếu đánh giá học sinh bằng các tiết kiểm tra thông thường như cho học sinh làm bài, thu bài sau 1 tiếng như thế nếu có vài camera đi nữa thì việc gian lận cũng có thể xảy ra. “Dạy học truyền thống, nếu bình thường kiểm tra miệng phải hỏi từng học sinh nhưng bây giờ với hệ thống tương tác online chỉ cần mất 10 phút có thể kiểm tra được cả lớp. Với cách thức kiểm tra nhanh, tương tác nhanh thì học sinh không thể gian lận” - thầy Huy trao đổi.
Đánh giá về dạy học trực tiếp và trực tuyến, theo thầy Huy, dạy học online có nhiều ưu điểm. Một số học sinh khi học online có kết quả tốt hơn. Có thể, khi ở trên lớp, khả năng tập trung học có bạn bè bên cạnh sẽ kém hơn. Tuy nhiên, cũng có những học sinh do đặc tính mất tập trung khi không có sự giám sát của giáo viên thì lực học sa sút.
“Ngày xưa muốn bổ trợ cho những học sinh yếu gặp khó khăn vì lớp học đông nhưng khi dạy online có thể chia lớp thành các phòng nhỏ để hỗ trợ thêm các em này” – thầy Huy kể, đồng thời nhấn mạnh: “Không ai mong muốn dịch bệnh này cả nhưng khi đã xảy ra thì tìm cách khắc phục, lấy những ưu điểm của dạy học online phát huy tất cả những ưu điểm mà mình có để tăng chất lượng dạy học”.
Qua trao đổi với giáo viên, có thể thấy việc dạy học online là biện pháp thích ứng tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Dạy học online có những đặc thù riêng khác với dạy học truyền thống, nếu phát huy được những tích cực của hình thức dạy học này thì đây không chỉ là biện pháp “chữa cháy” mà còn có tính lâu dài.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/linh-hoat-trong-nam-bat-danh-gia-hoc-sinh-post166265.html