Linh hoạt ứng phó hạn mặn
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm.
Tại Kiên Giang, trên sông Cái Lớn, dự báo độ mặn 4,0‰ xâm nhập sâu 30km (gần cuối xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao), trên sông Cái Bé, độ mặn 4,0‰ xâm nhập sâu 11 km. Trong khi đó, để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự trong tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình, để có giải pháp ứng phó kịp thời.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để đảm bảo kiểm soát mặn từ sông Cái Bé vào kênh Ông Hiển, đảm bảo nguồn nước ngọt sinh hoạt cho khu vực Châu Thành và TP Rạch Giá. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để có biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn trong mùa khô dự báo ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân vùng dự án ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái các huyện phía Tây.
Huyện Cai Lậy có 2 xã cù lao (Ngũ Hiệp và Tân Phong) nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Để bảo vệ cho hơn 2.700ha vườn cây ăn trái, huyện đã cho tiến hành nạo vét các tuyến kênh, đắp các đập tạm ngăn mặn và vận hành 15 giếng khoan để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất.
Xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - nơi được mệnh danh là “vương quốc của sầu riêng” cũng được tỉnh đầu tư các giếng khoan để cung cấp nước sản xuất cho người dân trên địa bàn khi mặn xâm nhập. Hiện nay, các giếng khoan đã sẵn sàng để vận hành khi mặn xâm nhập. Để bảo vệ sản xuất, ngăn mặn khép kín, trên địa bàn xã Ngũ Hiệp dự kiến sẽ đắp đập tạm tại 5 vị trí cửa sông giáp với sông Tiền và Năm Thôn.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành phương án phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2023 - 2024. Phương án đưa ra là trong trường hợp khi độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn, huyện Chợ Lách, cách sông Tiền 9km từ 1,5 đến 2,0 g/l và có xu thế tiếp tục tăng sẽ tiến hành đắp 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài và Phú An. Đồng thời, tổ chức 3 điểm bơm chuyền tại các cống: Đông Tà Lượt, Tây Tà Lượt, cống 26-3... nếu xảy ra thiếu nước do đắp 3 đập thép ngăn mặn.
Tại Sóc Trăng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc sở chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Song song đó, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động các giải pháp đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.
Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý để triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, rà soát các khu vực có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để khuyến cáo, hướng dẫn người dân về thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống lúa và triển khai các biện pháp, kỹ thuật phòng chống hạn, mặn cho các vùng trồng cây ăn trái, đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất.
“
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo mặn có thể xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, mặn có thể ảnh hưởng đến vùng cây ăn trái cách biển từ 30 - 45km trong tháng 1. Từ tháng 2 - 3, mặn tăng cao, các vùng sản xuất cách biển từ 50 - 65km khả năng lấy nước tưới bị hạn chế. Các địa phương cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn để lấy nước tích trữ phục vụ sản xuất.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/linh-hoat-ung-pho-han-man-10272302.html