Linh hoạt ứng phó thuế đối ứng của Mỹ
Việt Nam có thể mở rộng, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy và khai thác thị trường nội địa hóa...
Chiều 2-4 tại Mỹ (rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46%. Sáng 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả.
Thành lập ngay tổ phản ứng nhanh
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có đối sách chủ động, linh hoạt với mọi diễn biến. Việc này nhằm giúp Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, cú sốc từ bên ngoài - như những gì đã trải qua trong bối cảnh dịch COVID-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo các bộ, ngành, ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, nhất là đơn vị xuất khẩu lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt, phức tạp và khó đoán định. Theo Thủ tướng, đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, Việt Nam có thể mở rộng, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy và khai thác thị trường nội địa hóa. "Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi" - Thủ tướng khẳng định.
Liên quan chính sách thuế quan vừa được Mỹ công bố, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, thuế, lệ phí, Bộ Tài chính - cho biết theo công bố thời gian tới, 90% hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ chịu mức thuế 46%. "Đây là mức thuế cao hơn rất nhiều so với mức hiện hành. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ như linh kiện điện tử, nông sản, dệt may, da giày.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới, Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể các mức thuế nhập khẩu. Từ đó, bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73 ngày 31-3. Trong đó, điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế nhập khẩu của một số mặt hàng từ Mỹ và các đối tác. Việc giảm thuế này nhằm cân bằng cán cân thương mại với các đối tác lớn. Nghị định 73 đã giảm thuế xuất nhập khẩu hơn 10 mặt hàng, gồm ô tô, sản phẩm nông nghiệp, gỗ…
Về mức thuế Mỹ công bố sáng 3-4, theo ông Tuấn, cần làm rõ cơ sở, căn cứ mà phía Mỹ đưa ra với Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Báo cáo từ cơ quan thương mại của Mỹ cho biết mức thuế suất bình quân của Việt Nam áp dụng với hàng hóa nước này chỉ khoảng 9,4%. Trong đó, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế cao nhất là 15% hoặc thấp hơn.
"Mặt bằng thuế quan của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với mức 90% cũng như mức 46% mà phía Mỹ đưa ra. Do đó, cần làm rõ ngoài yếu tố thuế thì còn yếu tố gì, lý do nào mà Mỹ tính toán đưa ra mức thuế đối ứng 46%, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp" - ông Tuấn đề nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành. Ảnh: NHẬT BẮC
Thích ứng, mở rộng thị trường
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đối với Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này. Với bức tranh thương mại đó, mức thuế đối ứng 46% vừa được công bố đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...
Số liệu của Cục Hải quan - Bộ Tài chính cho thấy năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỉ USD; nhập khẩu từ Mỹ đạt 15,1 tỉ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỉ USD, trong đó 3 nhóm có kim ngạch lớn là máy tính, linh kiện; máy móc, thiết bị và dệt may. Điện thoại, đồ gỗ, giày dép cũng là các nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ. Trong 2 tháng đầu năm 2025, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - Bộ Công Thương, cho biết Thương vụ đang tập trung tìm hiểu thông tin và sẽ có báo cáo tác động chi tiết về chính sách thuế mới của phía Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Bước đầu, Thương vụ đánh giá mức thuế của Mỹ với Việt Nam là mức cao đáng kể. Vì vậy, nếu áp dụng sẽ rất bất lợi với hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong đó, nhóm hàng chịu tác động gồm: thủy sản, nhựa, cao su, giấy, bột giấy, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử…
"Ngay sau khi Mỹ ban hành bảng thuế, Thương vụ đã liên hệ với đại diện USTR (Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ) để tìm hiểu kỹ hơn các căn cứ để tính toán và một số thông tin liên quan khác" - ông Hưng cho hay.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), cho biết năm 2024, nông - lâm - thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 13,8 tỉ USD. Trước chính sách thuế mới công bố từ phía Mỹ, theo ông Tiến, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỉ USD sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.
"Với tinh thần "Dĩ bất biến ứng vạn biến", Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ NN-MT, sẽ nắm tình hình để điều tiết với vai trò quản lý nhà nước, để công việc được xuyên suốt, không bỏ sót địa bàn, không bỏ sót nhiệm vụ" - ông Tiến cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-MT, thời gian qua, nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ đã vượt qua nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và đạt được những kết quả bước đầu. Để ứng phó các chính sách thuế, ông Tiến cho rằng trong cơ cấu, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Mỹ vẫn chiếm tỉ trọng lớn bên cạnh các thị trường như châu Âu hay Trung Quốc. Vì vậy, cần xem lại cơ cấu từng ngành hàng, ví dụ 2 ngành trọng điểm là cá tra, tôm. Bên cạnh đó, ngành NN-MT sẽ chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành hạ, để cạnh tranh với các thị trường khác.
"Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Do vậy, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại của hai quốc gia. Mặt khác, ngành nông - lâm - thủy sản cần mở rộng thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc vào một vài thị trường" - lãnh đạo Bộ NN-MT nêu rõ.
Biến thách thức thành động lực
Theo TS Bùi Quý Thuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng - Trường Đại học Phenikaa, mức thuế Mỹ áp với hàng hóa Việt Nam là cao hơn so với các nước/nền kinh tế từ 10% - 20%, có thể làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa nước ta tại thị trường Mỹ. Tác động sẽ rõ rệt trong ngắn hạn, nhất là với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may - da giày, đồ gỗ và nội thất... Tuy nhiên, thách thức này sẽ có thể trở thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn.
Trước mắt, ông Thuấn cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đàm phán song phương với Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu chính; định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam; tăng cường mua hàng từ Mỹ; tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường...
Đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 46%
Chiều 3-4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài - Bộ Công Thương, cho biết sáng 3-4, ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế, để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
"Chúng tôi đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất" - ông Linh nói. Bộ Công Thương cũng đã có những kiến nghị về kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm; kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu; tăng cường năng lực phòng vệ thương mại... L.Thúy
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/linh-hoat-ung-pho-thue-doi-ung-cua-my-196250403223240731.htm