Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá

Trước biến động của tỷ giá đồng Euro và USD, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những giải pháp khác nhau để ứng phó.

Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh, ngành cơ khí điện chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, Nhật, Mỹ. Hiện đồng Euro và Yên Nhật mất giá so với USD, các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản đang không có lợi nhuận. Theo đó, lĩnh vực này phải nhập máy móc, nguyên liệu sản xuất tới hơn 90%. Doanh nghiệp nào nhập máy móc mà trả tiền bằng Euro thì đang có lời nhưng xuất đi thanh toán bằng Euro thì lại lỗ.

Nhiều ngành sản xuất trong nước như gỗ, dệt may, da giày, cao su nhựa, thực phẩm... đang phải nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán bằng đồng USD, việc đồng USD tăng giá khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may vào thị trường EU với các đơn hàng thanh toán bằng đồng Euro cũng lâm vào tình cảnh rất khó khăn khi nhận Euro các doanh nghiệp phải đổi sang USD nhưng do tỷ giá VND/Euro đang giảm bằng với VND/USD nên lợi nhuận sụt giảm.

Ngoài ra, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác đang đua nhau tăng lãi suất thì các doanh nghiệp dù có xuất khẩu hay không cũng đều bị ảnh hưởng. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tỷ giá các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt cho xu hướng tỷ giá như cân đối việc xuất khẩu, nhập khẩu. Nên tìm cách xuất khẩu qua những nước sử dụng USD và nhập khẩu từ những quốc gia sử dụng các đồng tiền khác.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay VNĐ lên giá so với đồng Euro, nhưng lại mất giá so với đồng USD. Trong hoạt động ngoại thương, doanh nghiệp có hai dạng thanh toán chính là thanh toán bằng đồng USD hoặc đồng Euro. Vì vậy, một trong hai đồng tiền này giảm giá thì xuất khẩu sẽ bất lợi.

"Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình" - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/linh-hoat-ung-pho-voi-bien-dong-ty-gia-215637.html