Linh hoạt xúc tiến thương mại và duy trì sản xuất

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản theo hình thức trực tuyến, đảm bảo thích ứng, linh hoạt, hiệu quả; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu nông sản. Đó là những nỗ lực của ngành Công Thương vượt qua một năm gian khó do Covid-19, thực hiện tốt chức năng tham mưu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Tỉnh Sơn La ký kết biên bản hợp tác với Công ty TNHH Mia Fruit quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản Sơn La.

Tỉnh Sơn La ký kết biên bản hợp tác với Công ty TNHH Mia Fruit quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản Sơn La.

Một năm qua đi với rất nhiều khó khăn thách thức của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực công thương. Ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã tập trung, tham mưu cho tỉnh thực hiện chiến lược phát triển trong lĩnh vực quản lý phụ trách, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, xúc tiến thương mại và duy trì sản xuất các nhà máy công nghiệp là hai điểm nhấn của ngành đạt được trong năm qua.

Giám đốc Sở Công Thương, Phạm Thị Doan, cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La, bảo đảm thích ứng linh hoạt trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố triển khai chuyển hướng từ xuất khẩu quả tươi sang tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh sơ chế, chế biến để kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị sản phẩm. Với sự nỗ lực cao nhất, tỉnh ta đã hoàn thành mục tiêu tiêu thụ hết nông sản, với giá bán hợp lý, ổn định thu nhập cho người dân; tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2021 ước đạt trên 161 triệu USD; trong đó giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt trên 150 triệu USD.

Thay vì tổ chức hoạt động triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản để xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản như trước đây, năm nay, do Covid-19, Sở Công Thương chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường trong và ngoài nước, như: Kết nối tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn tỉnh Sơn La năm 2021; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam; triển khai sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La” trên gian hàng Việt tại sàn thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước của Sendo, Shopee, Lazada, Alibaba... Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP...) trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của tỉnh, xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ. Một số nông sản hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sang thị trường mới tiềm năng, như: Sản phẩm xoài sang thị trường Nga, Ả Rập, Mông Cổ; nhãn sang thị trường Ba Lan, Hà Lan, Anh; mận sang thị trường Singapore, Malaysia.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit, chia sẻ: Sở Công Thương đã kết nối với Công ty thực hiện Dự án “Nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ mận hậu Sơn La”; tư vấn và quảng bá thương hiệu Nhãn Sơn La; thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm Mận qua hệ thống cửa hàng cao cấp Mia Fruit; đưa trái cây tỉnh Sơn La tham dự Hội chợ triển lãm Macfruit lớn nhất tại Ý. Đây là thành công lớn của ngành Công thương Sơn La cũng như Công ty chúng tôi trong một năm vượt qua khó khăn của đại dịch.

Không chỉ hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương còn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành phương án hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021. Qua tổng hợp, có 543 đơn vị được đề xuất hỗ trợ; trong đó, 525 hộ gia đình, 16 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,2 tỷ đồng. Tính toán vụ nhãn 2021, tiền công lao động bóc long nhãn của các cơ sở làm long nhãn trên địa bàn tỉnh khoảng 180-200 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm tại chỗ và mang lại nguồn thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.

Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2021.

Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2021.

Cùng với việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ toàn bộ nông sản năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp; xây dựng, ban hành kế hoạch về kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp đảm bảo nhà máy “xanh”, doanh nghiệp “xanh”, duy trì, phục hồi sản xuất.

Được tiếp sức của ngành Công thương, nhiều mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ nông dân, HTX trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản duy trì hoạt động, điển hình như: Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và duy trì ổn định sản xuất. Công ty đã thu mua toàn bộ sản lượng sữa cho các hộ chăn nuôi bò, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương; nhờ đó, doanh thu của Công ty vẫn tăng trưởng trên 3% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ. Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần sắn Phú Yên - Chi nhánh Sơn La tổ chức sản xuất thu mua được 20.300 tấn sắn củ tươi, tạo việc làm cho 140 công nhân làm trực tiếp, 100 lao động thời vụ tại địa phương và bảo đảm chế biến trên 28.000 tấn tinh bột sắn phục vụ xuất khẩu theo kế hoạch.

Chủ động tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, toàn tỉnh tiếp tục vận hành ổn định, hiệu quả 35 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ hàng nông sản, kéo dài thời gian bảo quản, giảm áp lực đối với xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tươi của tỉnh trong điều kiện sức tiêu thụ trong dân giảm, lưu thông hàng hóa và lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu bị hạn chế. Kết quả, một số nông sản chủ yếu của tỉnh ta vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020, như: Đường tăng trên 4%; chè tăng trên 16%; sữa tươi tiệt trùng tăng trên 3%; tinh bột sắn tăng trên 14%...

Quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các địa phương và nhất là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, ngành Công Thương đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng, tạo dấu ấn trong năm 2021. Đây là tiền đề, động lực để ngành Công Thương tiếp tục gặp hái thêm nhiều thành công trong năm tới, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/linh-hoat-xuc-tien-thuong-mai-va-duy-tri-san-xuat-47545