Lính Mỹ vô tình làm rò rỉ bí mật hạt nhân qua ứng dụng học tập
Trang web điều tra Bellingcat tiết lộ hôm thứ Sáu (28/5), các binh sĩ tại các căn cứ của Mỹ ở châu Âu, nơi có vũ khí hạt nhân, đã được sử dụng các ứng dụng học tập công khai trực tuyến để ghi nhớ các giao thức bảo mật phức tạp và lâu dài.
Một đầu đạn hạt nhân. Ảnh: DPA
Bài liên quan
Tổng thống Biden từ chối gặp ông Kim mà không có cam kết phi hạt nhân trước
Trung Quốc động thổ lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế
Mở rộng ngành công nghiệp hạt nhân, cách Trung Quốc xây dựng vai trò cường quốc
Iran cắt giảm số lượng máy ly tâm làm giàu uranium, mở đường cho đàm phán hạt nhân
Theo báo cáo, các quân nhân đã sử dụng các trang web như Quizlet, Chegg Prep và Cram để ghi nhớ mật mã, biệt ngữ và thậm chí là tình trạng của các hầm chứa hạt nhân.
Trong khi các chính phủ châu Âu thường từ chối xác nhận hoặc phủ nhận các vị trí cụ thể của vũ khí hạt nhân Mỹ đang được cất giữ trong biên giới của họ, các tài liệu, ảnh và bình luận bị rò rỉ của các quan chức đã nghỉ hưu thường xác nhận sự hiện diện của vũ khí này.
Tuy nhiên, những rò rỉ mới nhất đã đi xa đến mức xác định được số lượng và vị trí chính xác của vũ khí trong các căn cứ, bao gồm cả việc các hầm chứa vũ khí "nóng" hay "lạnh".
Tác giả của bài báo điều tra, Foeke Postma, giải thích rằng các nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra các thẻ ghi nhớ của những người lính bằng cách tìm kiếm một số thuật ngữ được cho là có liên quan đến các căn cứ hạt nhân.
Kết quả họ đã tìm thấy một số bộ flashcard tiết lộ thông tin về một số căn cứ trên khắp châu Âu, bao gồm cả ở Đức, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Một bộ flashcard gồm 70 thẻ với tiêu đề "Study!" tiết lộ số vũ khí hạt nhân tại Căn cứ Không quân Volkel ở Hà Lan mà chính phủ Hà Lan coi là bí mật.
Các bộ flashcard khác tiết lộ cách các binh sĩ phải phản ứng với các mức độ báo động khác nhau, nơi đặt camera an ninh hay mật mã để báo cáo về việc họ đang bị bắt làm con tin.
Bellingcat đã phát hiện ra các thẻ nhớ có niên đại từ năm 2013 và gần đây nhất là vào tháng 4/2021.
Trang web đã liên hệ với NATO và quân đội Mỹ để đưa ra bình luận trước khi xuất bản câu chuyện, nhưng các bộ thẻ đã bị gỡ bỏ.
Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí Đông Á đã nói rằng các vụ rò rỉ là một "vi phạm nghiêm trọng" trong thực tiễn an ninh.