Lính ta 'bình' chuyện thơ trâu

Chương trình giao lưu văn nghệ mừng Xuân Tân Sửu 2021 của Đại đội 3 có mục thơ ca về loài trâu. Dưới sự điều khiển của chính trị viên đại đội, lính ta được dịp đua tài.

Mục “Kể thơ trâu” rất dồi dào, nêu bật trâu với người là bạn “đồng cam cộng khổ” để cùng tồn tại: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công?/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Trâu “đi vào” giấc ngủ của trẻ thơ trong ngân nga lời ru: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Trâu được người đưa vào câu ví gần gũi, thân mật: “Trâu bò được ngày phá đỗ (cây đậu)/ Con cháu được ngày giỗ ông... Càng lúc càng rôm rả...

Phần “Bình thơ trâu” rất sôi động với câu hỏi: Đồng chí hãy cho biết bài ca dao “Rủ nhau đi cấy, đi cày” có hoàn cảnh ra đời như thế nào và bình luận câu kết của nó.

Binh nhất Hà Xuân Vui mở đầu:

- Nguyên văn bài ca dao này là: “Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu/ Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Bài ca dao ra đời khi người dân Việt Nam đã chế tạo ra cái cày, và cũng có thể là từ khi vua Lê Hoàn tiến hành Lễ cày Tịch điền (cuối thế kỷ 10), nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Câu kết “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” có một chi tiết sai. Con trâu không thể tự mình đi bừa ruộng được. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp đều phải do con người điều khiển, như chồng cày, vợ cấy. Trâu chỉ có thể làm theo sự điều khiển của người...

Binh nhì Phạm Văn Vẻ đáp lại:

- Câu “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” mà đồng chí Vui bảo là sai, nhưng kỳ thực không hề sai. Anh chị nông dân kia mới kết hôn, chưa có con. Người chồng cày. Người vợ cấy. Con trâu không có ai quản nên nó cứ đi lung tung, không có trật tự gì hết; giống như hành vi làm bừa, làm ẩu của người vô ý thức tổ chức kỷ luật!...

Binh nhất Trần Tân Xuân thêm một phát hiện mới:

- Tôi đã thấy có người viết: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa/ May mà hôm ấy trời mưa/ Có thằng con rể đi bừa cùng trâu”.

- Tại sao trời mưa thì chàng rể mới đi bừa cùng con trâu?-Có tiếng hỏi rất chi là “lý sự”.

Mọi người lao xao, nhiều ý kiến phản biện. Có chiến sĩ cho rằng, người con rể phụ trách việc phơi thóc lúa và các loại nông sản khác của hợp tác xã. Ngày mưa không phơi được. Nông vụ chí kỳ, anh đi bừa ruộng giúp bố mẹ vợ... Ở đây có sự chơi chữ, dùng cả hai nghĩa của từ “bừa”: Một-“Không kể gì trật tự”, gắn với hành động của con trâu đi lung tung tùy tiện, và hai-“Làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng” nói về việc bừa ruộng do con người tiến hành...

Hạ sĩ Nguyễn Ngọc Tân nêu ý mới:

- Theo tôi, chính xác thì bài thơ này ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm và câu kết phải là: “Chồng cày, vợ cấy, con dâu đi bừa”. Bởi vì trai tráng ra trận đánh giặc. Ở hậu phương, lão nông chồng cày vợ cấy, người con dâu đi bừa. Bài hát “Đường cày đảm đang” của nhạc sĩ An Chung sáng tác năm 1966, lúc chiến tranh chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt, có câu: “Ở làng quê ta, cày bừa giờ gái thay trai. Từ luống cao đồng trũng ruộng ngoài... Thay trai, nay gái đua tài” là phản ánh đúng tình hình ấy!

- Hoan hô! Hoan hô! Có lý mà cũng có tình! Dâu rể đều đi bừa. Ruộng ngấu lúa tốt, thóc sẽ mẩy hạt nặng bông!-nhiều người biểu thị tán đồng.

Chính trị viên kết luận:

- Chúng ta bình câu Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa, ai cũng hiểu được cái ý gửi ở đấy: Trâu là một thành tố làm nên sự ấm áp của gia đình nông phu. Chúng ta cũng biết ơn tác giả khuyết danh đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật thi ca. Câu ca dao lời hay, ý đẹp, vô cùng dễ hiểu; nhưng lại để ngỏ một cấu trúc ngôn từ khiến chúng ta say sưa trao đổi, khai thác ý nghĩa thẩm mỹ mà không biết chán... Đấy là cái đẹp, cái quý của bài ca dao.

Lính ta hưởng ứng lời kết luận của chính trị viên bằng những tràng pháo tay giòn giã, sưởi ấm cả không gian đơn vị giữa lúc xuân Tân Sửu đang về.

PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/linh-ta-binh-chuyen-tho-trau-651453