'Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa': Lan tỏa giá trị văn hóa nghìn năm vùng đất sông Hồng
Chương trình nghệ thuật 'Linh thiêng Đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa' diễn ra vào tối 18/11/2023 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm. Chương trình sẽ vinh danh những mạch nguồn văn hiến vùng đất sông Hồng, những di sản văn hóa ngàn năm của đất Việt.
Linh thiêng mạch nguồn văn hiến
Từ ngàn năm nay, Đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là chốn linh thiêng thờ cúng Đức Thánh Chèm, hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng. Đây cũng là điểm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm thời xưa. Không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh, đình Chèm còn được xem là một trong những ngôi đình có lịch sử cổ nhất nước ta cùng với kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc độc đáo.
Nằm bên sông Hồng - dòng sông biểu tượng của nền văn minh lúa nước, dòng sông chuyên chở những lớp tầng phù sa bồi tụ ngàn năm, nơi dòng chảy tinh hoa từ muôn nơi về hội tụ - đình Chèm đã cùng chứng kiến biết bao biến thiên thăng trầm của lịch sử. Chính vì thế, theo Ban Tổ chức, chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” sẽ là câu chuyện kể về đình Chèm, về sông Hồng bằng nghệ thuật.
Đó là câu chuyện về hành trình của một dòng sông, từ những “mạch nguồn văn hiến” hội tụ tại Thăng Long - Hà Nội, tạo nên những kiệt tác ngàn năm mà trong số đó là ngôi đình Chèm cùng những loại hình nghệ thuật truyền thống đã được thế giới vinh danh.
Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình, “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023, nhằm kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên trục sông Hồng trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
“Những căn cốt đẹp đẽ trong văn hóa ứng xử, trong lối sống và cốt cách con người, hun đúc nên bản sắc cộng đồng, tất cả sẽ phô diễn khéo léo trong các tiết mục vừa giàu màu sắc truyền thống, vừa có sự tiếp biến uyển chuyển và tinh tế” - bà Lê Thị Thu Hương cho biết.
Lần đầu xuất hiện sân khấu thực cảnh trên sông Hồng
Chia sẻ với phóng viên NB&CL, Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng cho biết, một trong những điểm nhấn của “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” là chương trình có tới hai sân khấu. Trong đó, sân khấu chính đặt tại sân đình Chèm, sân khấu thứ hai nằm trên bãi cát và mặt nước sông Hồng, cách sân khấu chính một vườn nhãn. Cả hai sân khấu đều được trang bị màn hình led và kết nối trực tiếp.
“Sau khi nhận được lời mời từ Ban Tổ chức, ê kip chương trình đã có buổi khảo sát địa điểm và nhận thấy, địa bàn không quá lớn với sự kiện ngoài trời. Trong khi đó, sông Hồng là địa danh có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, sông nước hữu tình, là một địa điểm lý tưởng để dựng sân khấu thực cảnh. Do đó, chúng tôi quyết định làm sân khấu thứ hai” - đạo diễn Thanh Tùng bật mí.
Theo anh Tùng, chương trình sân khấu thực cảnh đã diễn ra ở nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên có một show diễn thực cảnh trên sông Hồng. Và đây cũng là một ý tưởng sáng tạo hết sức táo bạo của anh và ê kíp thực hiện chương trình.
“Nếu muốn an toàn chúng tôi hoàn toàn có thể làm một sân khấu, phát truyền hình trực tiếp hai tiếng đồng hồ là xong. Nhưng với hai sân khấu thì phải cần hai ê kíp thực hiện, cái đầu đạo diễn cũng phải chia làm đôi, bởi bản chất đây là hai sân khấu khác nhau và lại diễn ra cùng lúc, không khác gì một cầu truyền hình” - Mai Thanh Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, theo đạo diễn Mai Thanh Tùng, việc tổ chức hai sân khấu cùng với sự kiện được truyền hình trực tiếp đòi hỏi mọi việc phải phối hợp thực hiện nhịp nhàng, chính xác để khi lên sóng không bị vênh, không bị lỗi sóng. Tuy nhiên, “cái được” lớn nhất của việc tổ chức hai sân khấu là khán giả sẽ có những trải nghiệm lý thú nhất.
Nói rõ hơn về điều này, nam đạo diễn trẻ cho hay, giữa hai sân khấu sẽ có sự kết nối chặt chẽ, thống nhất. Chẳng hạn khi tại sân khấu chính diễn ra tiết mục khai từ mở màn, kể về câu chuyện Đức Thánh Chèm thì khán giả ở sân khấu thực cảnh cũng xem được tại màn hình led bố trí ở con thuyền trên sông. Ngược lại, khi ca sĩ Tùng Dương hát ca khúc “Ngẫu hứng sông Hồng” ở sân khấu thực cảnh thì tiết mục này cũng được phát trên màn hình sân khấu chính. “Không chỉ vậy, lúc này trên sân khấu chính còn có vũ đoàn múa phụ họa, tức là sân khấu chính luôn được ưu tiên và không làm chết sân khấu” - đạo diễn Mai Thanh Tùng cho hay.
Cũng vì thiết kế chương trình gồm hai sân khấu nên ngoài việc phức tạp trong xử lý các tình huống nghệ thuật thì công việc chuẩn bị cũng nhiều gấp bội. Theo đạo diễn Mai Thanh Tùng, để biến một bãi đất ven đê thành sân khấu thực cảnh thì việc san sửa để đáp ứng một địa điểm biểu diễn mất rất nhiều công sức, thời gian. Song song với đó là việc phải tìm đạo cụ. Bản thân anh nửa đêm vẫn phải ngồi thuyền vượt sông để tìm một chiếc thuyền về làm sân khấu thực cảnh. Sau khi có thuyền, ê kíp phải cưa ra, chỉnh trang cho khớp với ý đồ nghệ thuật. Khi dùng xong, phải hàn lại như cũ để trả cho chủ thuyền.
Không bằng lòng với sự “an toàn”
Chia sẻ về ý đồ nghệ thuật của mình, đạo diễn Mai Thanh Tùng cho hay, nhóm của anh kết cấu chương trình không phải chỉ có ca hát mà sẽ sử dụng âm nhạc như một đường dây xuyên suốt để kể câu chuyện về hành trình của dòng sông Hồng. Trong đó, hoạt cảnh “Linh thiêng đình Chèm” với phần thể hiện lời bình của NSƯT Lê Chức là điểm nhấn, thể hiện tầm vóc, ý nghĩa của ngôi đình Chèm cổ kính hàng ngàn năm tuổi. Tiếp nối “dòng chảy tinh hoa”, trong chương trình sẽ có bản hòa ca của các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã được thế giới vinh danh như xòe Thái Yên Bái, quan họ Bắc Ninh...
“Tham gia chương trình sẽ có khoảng 500 nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên. Nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng sẽ được thể hiện trong chương trình như: “Thăng Long vững mãi cơ đồ”, “Bên dòng sông Cái”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Đình Chèm - dấu tích ngàn năm”, “Chảy đi sông ơi”… Từ đình Chèm, câu chuyện sẽ mở ra một dòng chảy tinh hoa, đó là dòng chảy của văn hóa Việt Nam” - đạo diễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Mai Thanh Tùng cũng bật mí thêm, ngoài người thầy đáng kính NSƯT Lê Chức luôn luôn ở bên cạnh đồng hành, còn có cộng sự, góp sức với anh là những người trẻ đầy năng lượng. Đó là Dương Hà - một biên kịch trẻ đầy tài năng, Uyên Chi - một Tổng biên đạo có kinh nghiệm dàn dựng các sự kiện quốc gia, Ngô Phúc Hưng - Lê Xuân Tường là những giám đốc sáng tạo giỏi và có tâm, Mộc Cầm - Giám đốc âm nhạc uy tín, Nguyễn Quyền - “chuyên gia” về ánh sáng đã từng đoạt giải quốc gia, là Trần Chương - ngôi sao đang nổi trong lĩnh vực visual… Mỗi người một việc, nhưng họ đều là “quân” tinh nhuệ. Tùng cho biết, thời điểm này chưa thể nói rõ về kịch bản được nhưng chương trình sẽ áp dụng tối đa công nghệ để đạt hiệu quả nghệ thuật tốt nhất.
“Tính tôi ưa mạo hiểm nên tôi thường không bằng lòng với sự an toàn, dù rằng làm nghệ thuật như vậy sẽ vất vả. Ê kíp chúng tôi chỉ có khoảng 20 ngày cho tất tật mọi thứ. Công việc nhiều và phức tạp như vậy, nhưng cho đến nay, mọi việc đều được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ” - anh Tùng cho biết.
Trăn trở, say mê công việc, Mai Thanh Tùng cũng tâm sự rằng, anh cảm thấy “tiếc” khi xây dựng chương trình mà sân khấu chỉ có thể chứa được một lượng khán giả hạn chế và thời lượng 2 giờ đồng hồ là quá ngắn để anh nói về nghìn năm lịch sử của dân tộc.
“Sông Hồng - một con sông vĩ đại. Bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu kiệt tác nghệ thuật đã sản sinh ra từ hai bên bờ sông. Đó là ý tưởng để tôi xây dựng chương trình này. Với thời lượng ngắn ngủi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm sao để kể một câu chuyện ý nghĩa về Thăng Long xưa, về sông Hồng về Hà Nội” - đạo diễn Mai Thanh Tùng chia sẻ.