Lính trẻ hôm nay

Đầu xuân, nghĩ về người lính hôm nay, tôi nhớ ngay đến việc Quân đội đã tổ chức lực lượng gồm hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng nghìn phương tiện ô tô, xe đặc chủng, tàu, xuồng... ứng trực, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả siêu bão Yagi (bão số 3, tháng 9-2024).

Với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi vất vả, hiểm nguy, tổ chức thông báo, kêu gọi hơn 51.000 tàu, thuyền với gần 220.000 người về nơi an toàn; gia cố, hộ đê, xử lý sạt trượt hơn 21.000m; tổ chức di dời hơn 96.000 hộ với gần 375.000 người đến nơi an toàn; cứu nạn 870 người... Các cơ quan, đơn vị toàn quân ủng hộ tiền, vật chất với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ cho các tỉnh...

Nhưng cũng có cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân ứng phó với thiên tai, khiến tôi nhớ lại năm 2020, có 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi cứu hộ sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế, nay là TP Huế). Sau bão số 3 năm 2024, nhiều khán giả đã cảm động, chụp lại rồi chia sẻ hình ảnh cháu bé ôm chặt không muốn rời chú bộ đội trẻ măng cùng đơn vị đến giúp thôn Làng Nủ (Lào Cai). Mất những người thân yêu nhất vì thiên tai kinh hoàng, cháu bé ấy coi bộ đội là cha mẹ, anh chị em ruột thịt...

Bộ đội Trung đoàn 893 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang) xếp hình ngôi sao thể hiện quyết tâm phấn đấu, cống hiến vì Tổ quốc. Ảnh: HỮU TÀI

Bộ đội Trung đoàn 893 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang) xếp hình ngôi sao thể hiện quyết tâm phấn đấu, cống hiến vì Tổ quốc. Ảnh: HỮU TÀI

Lại nhớ về những ngày đại dịch Covid-19, sống mãi trong tâm trí mỗi người dân là hình ảnh bộ đội quân y đến tận nhà dân khám bệnh, phát thuốc; nhường doanh trại cho dân ở; những chú lính binh nhất, binh nhì làm “bà nội trợ” đi chợ, nấu nướng giúp dân vùng tâm dịch...

Xin được nhắc lại vài con số, hình ảnh trên để thấy anh Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, coi dân như người thân, sẵn sàng hy sinh để giúp dân. Đó là mệnh lệnh của trái tim, là lẽ sống, lý tưởng. Nơi biên giới xa xôi, bao chiến sĩ đang cầm chắc tay súng từng phút giữ bình yên cho đất nước. Giữa mênh mông trùng khơi, có những người lính hải quân ngày đêm canh giữ biển trời. Rồi bộ đội là lực lượng chủ lực trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong xử lý ô nhiễm môi trường hay dò gỡ bom, mìn.

Trên vùng núi cao heo hút, bộ đội làm bác sĩ chữa bệnh, làm thầy giáo dạy trẻ, làm cán bộ tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật... Trên giảng đường, trong viện nghiên cứu, bộ đội làm công tác giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bộ đội còn tham gia xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm góp phần làm giàu đất nước. Bộ đội tham gia đội quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, làm bác sĩ, sĩ quan hậu cần, sĩ quan chỉ huy, tham mưu... Hầu hết trong đội ngũ bộ đội tiên phong trên mọi lĩnh vực là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ ở độ tuổi thanh xuân, chúng ta gọi chung là những người lính trẻ.

Đặc trưng nhân cách người lính trẻ hôm nay là yêu nước, có tinh thần vị tha, có trách nhiệm, có ý chí, quyết tâm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phần lớn có học vấn cao, đủ khả năng làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại.

Thế nhưng, trong tình hình quốc tế biến động khó lường, trong bối cảnh mặt trái cơ chế thị trường nhiều cám dỗ..., những người lính trẻ, hẳn nhiên sẽ có những suy tư về tương lai, về cuộc sống. Không ít chàng lính từ bé được nuôi dưỡng trong môi trường đầy đủ, được chiều chuộng... đã băn khoăn, ngần ngại, không muốn phục vụ trong quân ngũ lâu dài vì "sợ" vất vả, xa nhà.

Trước khi nhập ngũ, việc thiếu rèn luyện, thiếu vốn sống là dễ hiểu, nhưng qua các đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho thấy một hạn chế chung của không ít thanh niên Việt Nam hiện nay là sức khỏe (nhiều thanh niên mắc tật khúc xạ mắt, béo phì, thiếu sức bền...). Đặc biệt, tỷ lệ thanh niên xăm trổ cao với những hình ảnh phản cảm cho thấy có một bộ phận nhận thức sai lệch về văn hóa, về giá trị, thậm chí cố tình trốn tránh nghĩa vụ quân sự...

Thế giới đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với những xung đột căng thẳng gây nguy cơ mất an ninh và sự ổn định mang tính toàn cầu. Thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy, các thế lực phản động, thù địch không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; các mối đe dọa an ninh như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và thảm họa thiên tai, môi trường... có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp. Bộ đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ứng phó với thiên tai, thảm họa và giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn...

Để đội ngũ lính trẻ phát huy tối đa năng lực, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, trước hết cần chú ý khích lệ, phát huy những ưu điểm và động viên, hướng dẫn khắc phục những điểm hạn chế. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu, lý tưởng cách mạng bằng các hình thức sinh động, hấp dẫn, nhất là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, tăng tính thuyết phục bằng cách cấp trên mẫu mực nêu gương sáng.

Bên cạnh đó, phải làm cho những người lính trẻ hiểu rõ, các cuộc xung đột vũ trang gần đây cho thấy, dù chiến tranh có dùng vũ khí công nghệ cao thì tinh thần người lính vẫn mang tính quyết định. Đó là tình yêu nước, yêu dân, tinh thần xả thân, khát vọng cống hiến vì Tổ quốc; là tinh thần ham học hỏi, vươn lên chiếm lĩnh những tri thức khoa học-công nghệ mới; là ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; con người tạo ra sự “thông minh của vũ khí”, cũng chính con người “quản lý” sự “thông minh” ấy. Từ đó, giúp lính trẻ thấy tự tin, phát huy tinh thần cống hiến, biến khó khăn, thách thức thành động lực phấn đấu.

Việc rất cần thiết là chúng ta phải coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự hơn nữa; cần phát động nhiều cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật xung quanh cuộc sống người lính hôm nay, dưới nhiều hình thức (âm nhạc, phim, video clip, tranh, ảnh, văn, thơ, truyện, kịch, tiểu phẩm...), ở nhiều môi trường sinh hoạt (cả chuyên lẫn không chuyên); khuyến khích lối tiếp cận mới mẻ, giản dị, phù hợp với văn hóa và tâm lý tiếp nhận của lính trẻ; đồng thời, tạo các diễn đàn tranh luận, trao đổi trên báo chí, mạng xã hội... Tâm lý học hiện đại rất đề cao đối thoại ở khía cạnh chia sẻ, nói ra được những băn khoăn cũng là một cách giải tỏa những băn khoăn.

Lính trẻ hôm nay cần nhiều hơn nữa tinh thần cống hiến, sống có trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, quê hương và Tổ quốc. Để lính trẻ có được điều đó, chúng ta phải tích cực khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực phấn đấu, bứt phá...

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/linh-tre-hom-nay-814631