Lính Trường Sơn vượt 'mưa trời, bão giá', đột phá tiến độ cao tốc Bắc - Nam
Vượt qua khó khăn, những người lính Binh đoàn 12 vẫn nỗ lực thi công ngày đêm, đáp ứng tiến độ tại dự án cao tốc Bắc - Nam...
Phát huy truyền thống, tăng tốc dự án trọng điểm
Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị kế tục truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, được thành lập ngày 19/5/1959.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Tháng 10/1977, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng làm cầu, đường của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh, được giao nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng.
Bước sang thời kỳ đổi mới, Binh đoàn 12 được chuyển thành doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng.
Với định hướng lấy xây dựng cơ bản là chủ yếu cùng uy tín, năng lực được khẳng định trên hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia, trong năm 2020 - 2021, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tham gia đấu thầu và trúng thầu hàng loạt dự án quy mô lớn như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu; Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trên công trường gói thầu XL13 dự án thành phần Mai Sơn - QL45, ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc Ban điều hành thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đảm nhận thi công đường đoạn Km307+600 - Km318+000 và 3 cầu, hiện, đơn vị đang huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân cùng 50 - 60 đầu máy, thiết bị dồn sức làm việc ngày đêm.
Tuy nhiên, vị chỉ huy công trường cũng không khỏi trăn trở bởi năm nào thời tiết phức tạp như năm 2022.
“Tính từ đầu năm đến nay, khu vực thi công của Tổng công ty Trường Sơn đã có gần 40 ngày mưa.
Mỗi ngày trời đổ nước, công trường lại bất động từ 1 - 3 ngày. Chi phí nhà thầu phải bỏ ra mỗi ngày nghỉ ngơi bất đắc dĩ ấy là gần 50 triệu đồng”, ông Hoàn nói và cho biết, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, Tổng công ty Trường Sơn đã tập trung dồn lực để bù đắp tiến độ các hạng mục.
“
Trải qua hơn 40 năm hoạt động, lực lượng của Binh đoàn 12 đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, tham gia thi công nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Điển hình là các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Bản Chát ở khu vực Tây Bắc; Thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah ở khu vực Tây Nguyên; Thủy điện Thác Mơ mở rộng ở Bình Phước,…
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tham gia xây dựng, hoàn thành hàng loạt các dự án trọng điểm như: Dự án đường Hồ Chí Minh, nâng cấp mở rộng QL1, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm đường bộ Hải Vân, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Vinh… Các dự án giao thông Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tham gia đều được chủ đầu tư đánh giá cao về tiến độ, chất lượng.
”
“Tại gói thầu XL13, Tổng công ty đảm nhận thi công 5km/10km đường và 3 cầu. Tính đến nay, sản lượng thi công đã đạt hơn 410 tỷ đồng, tương đương 71,14% tổng giá trị hợp đồng.
Trong đó, nhà thầu đã thi công xong khối lượng đắp đất K95, đắp gia tải nền đường.
Đối với khối lượng đắp K98, móng cấp phối đá dăm cơ bản xong đoạn nền đào thông thường, hiện nay Nhà thầu đang tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực triển khai thi công lớp CTB, mặt đường bê tông nhựa BTN phạm vi nền đào thông thường”, ông Trần Hữu Hoàn thông tin.
Cũng theo ông Hoàn, căn cứ vào tiến độ triển khai các hạng mục, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã lên kế hoạch cam kết rút ngắn tiến độ trước 3 tháng đối với 3 km đường, gồm 2,5 km nền thông thường và 0,5 km nền đất yếu. Đoạn tuyến này sẽ được hoàn thành trong tháng 9/2022 so với tháng 12/2022 như kế hoạch ban đầu.
Để đáp ứng mục tiêu trên, đơn vị sẽ giữ nguyên các mũi thi công hiện có nhưng sẽ điều chuyển các mũi thi công cầu sang thi công cống, hầm chui; Tăng dây chuyền thi công móng mặt đường từ 2 mũi lên 3 mũi. Đồng thời, tổ chức thi công ngày đêm, 3 ca liên tục vào thời điểm thời tiết thuận lợi.
Tương tự, tại dự án QL45 - Nghi Sơn, ông Phạm Hữu Từ, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đảm nhận thi công từ Km337+00 đến Km345+770, chiều dài 8,7 Km và 3 cầu, mặc dù phạm vi thi công đều đa số nằm trong phạm vi xử lý nền đất yếu.
Mùa mưa đến sớm, sau mỗi đợt mưa nhà thầu thường phải đợi 2-3 ngày nắng chờ khô đất mới thi công đắp đất tiếp. Số ngày phải nghỉ vì trời mưa từ đầu năm 2022 đến nay lên đến 30 ngày.
Mỗi ngày mưa không làm được việc, nhà thầu phải duy trì trả lương, tiền thuê thiết bị khoảng 90 triệu đồng.
Khó khăn là vậy, song, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn phấn đấu rút ngắn tiến độ so với hợp đồng khoảng 3 tháng đối với các đoạn đắp thông thường và xử lý nền đất yếu bằng giải pháp đào thay đất (gồm 11 đoạn tuyến, chiều dài 2,67 km).
“Với quyết tâm ấy, Tổng công ty Trường Sơn đang triển khai thi 4 mũi thi công đường; 3 mũi thi công cầu với gần 200 nhân lực cùng khoảng 60 máy móc, thiết bị thi công ngày đêm để đạt được mục tiêu đề ra”, ông Từ nói và cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công tại gói thầu đã đạt 40,34% giá trị hợp đồng.
Đề xuất cơ chế đặc thù thi công cao tốc
Bằng bản lĩnh và lòng quyết tâm, tiến độ thi công tại gói thầu XL13 dự án Mai Sơn QL45 do Tổng công ty Trường Sơn đảm nhận vẫn được duy trì, bám sát kế hoạch, song, Ban điều hành công trình vẫn không khỏi lo lắng trước sự gia tăng “chưa có hồi kết” của giá các loại vật liệu xây dựng.
“So với thời điểm bỏ thầu, giá một số loại vật liệu đã tăng từ 20 - 30% trong khi chỉ số giá địa phương công bố chỉ được 7 - 10%.
Điển hình như: vật liệu cát hạt trung lúc trúng thầu là 180.000 đồng/m3nay tăng lên 250.000 đồng; Đá các loại tăng từ 190.000 đồng/m3 ở thời điểm bỏ thầu nay tăng lên 235.000 đồng; Nhựa đường tăng từ 13.000 đồng/kg lên hơn 17.200 đồng; Dầu diezen trước đây là 13.000 đồng/lít nay tăng lên 28.000 đồng”, ông Trần Hữu Hoàn dẫn chứng.
Điểm lại tiến độ các hạng mục, ông Hoàn cho biết, vật liệu cần nhất lúc này là cấp phối đá dăm loại 1 (khoảng 50.000 m3); Nhựa đường (1.800 tấn), đá dung cho bê tông nhựa (30.000 m3); Bột đá (khoảng gần 1.800 tấn).
Tại dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, đến nay, đơn giá thi công đã tăng 17% so với thời điểm bỏ thầu. Trong đó, so với thời điểm bỏ thầu, giá đất đã tăng 1,2 lần; Giá thép tăng 1,25 lần; Giá bê tông tăng hơn 1 lần.
Trong khi đó, chỉ số trượt giá công bố ở địa phương đáp ứng được 6 - 7% (như giá cát, thép, xăng dầu…).
Hiện, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đang tập trung đắp đất K95; thi công các hạng mục BTCT cầu, cống hộp, hầm dân sinh. Nhu cầu đất K95 khoảng 500.000m3; giá đất hiện nay tăng so với thời điểm trúng thầu khoảng 1,2 lần; Nhu cầu thép trong 3 tháng tiếp theo khoảng 2.700 tấn, giá thép tăng khoảng 1,25 lần; giá bê tông tăng gần 1,1 lần.
“Trước tình hình đó, Nhà nước cần sớm có cơ chế đặc thù xây dựng chỉ số giá cho dự án đường cao tốc, không nên sử dụng chỉ số giá của địa phương để đảm bảo quyền lợi và giúp nhà thầu ổn định năng lực tài chính thi công, đưa dự án về đích sớm”, lãnh đạo Ban điều hành thuộc Binh đoàn 12 đề xuất.
Chia sẻ khó khăn với nhà thầu, Bộ GTVT thừa nhận, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn đã gây khó khăn gây khó khăn cho nhà thầu trong triển khai thi công.
"Hiện, Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai.
Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng; chỉ đạo các địa phương công bố chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng, bảo đảm có đầy đủ thông báo giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng”, đại diện Bộ GTVT cho hay.