Lisbon và xe điện cổ số 28
Đến Lisbon của Bồ Đào Nha, người phụ nữ cho thuê phòng ở quận Alfama chìa bản đồ, bảo: 'Cứ bắt xe điện cổ số 28 mà đi, vừa trải nghiệm biểu tượng văn hóa của thủ đô, vừa không sợ lạc đường'.
Đừng sợ lạc, chuyến xe điện cổ số 28 luôn đưa bạn về nhà. Niềm tự hào này của Lisbon đã đi cả vào thơ. Nếu vị trí của Lisbon không nằm trên 7 quả đồi và hệ thống phố cổ không vừa nhỏ hẹp, vừa dốc đứng dốc ngược như vậy, chắc chắn người ta sẽ làm đường tàu điện ngầm. May mắn, nơi nào tàu điện ngầm không thể vươn tới thì xe điện cổ còn được sống và chạy leng keng mỗi ngày.
Ngày nay, Lisbon chỉ còn khoảng 5 đường ray chạy xe điện xuyên thành phố. Một trong số đó là đường xe điện số 28, xây dựng từ năm 1914, để đưa đón cư dân từ quận trung tâm Baixa ra các vùng lân cận như Graca, Estrele. Tuyến xe điện này chạy qua hầu hết những điểm tham quan nổi tiếng của thủ đô như: Quảng trường Martim Moniz, Nhà thờ Thánh Vincent, Đền Pantheon quốc gia, Lâu đài Castelo de Sao Jorge...
Nhìn bề ngoài đã biết xe điện số 28 cổ rồi. Màu sơn vàng ngả sang nâu rất hợp cách nhìn về quá khứ. Nội thất bên trong ốp gỗ, các hàng ghế bọc da hầu như còn giữ nguyên trạng từ những năm 1930, chỉ nâng cấp phần thắng và các thiết bị điện vào những năm 1990. Thắng phải nhạy mới trụ được trên những đoạn đường dốc chênh vênh. Cứ trung bình 10 phút có một chuyến xe điện 28 tới bến đón và trả khách. Nhưng thực tế, việc chờ để leo được lên chiếc xe di sản văn hóa này vào những ngày cuối tuần còn gian nan hơn cả tưởng tượng.
Hôm ấy, mới giữa chiều chủ nhật mà phía trước tôi là cả trăm người từ khắp nơi trên thế giới đang nhích từng bước để vào được xe điện cổ số 28 ở Lisbon. Tôi đã chờ gần 2 tiếng rồi. Những chiếc xe điện cổ vẫn ì ạch bò lên dốc và dứt khoát chỉ mở cửa cho khoảng 20 người mỗi chuyến. Mặc cho hàng người cứ nối dài mãi, các xe điện trả xong khách vẫn kéo dài thời gian đóng cửa thêm vài phút. Chắc để tài xế bàn giao tay lái hoặc kiểm tra lại thắng, thư giãn một chút, mới lái tiếp đến bến sau đón khách. Tôi muốn bỏ cuộc. Tôi muốn rời hàng người dưới trời nắng nóng để bắt tuk tuk hoặc taxi về khách sạn cho nhanh. Nhưng rồi lại nghĩ, nếu không thử một lần ngồi trong xe điện cổ, di sản văn hóa và niềm tự hào của Bồ Đào Nha, biết đâu một ngày tôi lại tiếc nuối như từng tiếc đã không chụp chung một bức ảnh cùng các ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris trước khi nó bị cháy.
Một khách Việt đi cùng tôi thốt lên: “Cổ như ông đầu rau mà có wifi mới oách”. Đúng là vào được bên trong mới nhìn thấy biển “wifi miễn phí”. Vì không mua thẻ trả trước (chỉ khoảng 1,45 EUR/lượt) nên tôi phải trả trực tiếp cho lái xe với giá 3 EUR/lượt. Vẫn thấy hợp lý, bởi có thể cứ ngồi đó cả tiếng mà thong thả ngắm từng tuyến phố cổ nườm nượp du khách chen chúc trên các đoạn vỉa hè có khi chỉ đặt vừa một bàn chân. Ngồi cạnh tôi, Sabrina thở dài. Người phụ nữ này tự giới thiệu sinh ra và lớn lên tại Lisbon. Khách du lịch còn cảm thấy hào hứng chứ Sabrina ngao ngán thủ đô rồi. Cô muốn di chuyển về miền Bắc, có lẽ là đến Benfica chắc đỡ đông đúc hơn. “Giá nhà cửa ở Lisbon tăng nhanh khủng khiếp. Ba năm trước, tôi thuê cả căn nhà chỉ 300 EUR/tháng, giờ thuê chung căn hộ đã 250 EUR/tháng”.
Hai tuần trước, tôi sang Cộng hòa Séc dự một cuộc hội ngộ đồng niên cấp III khóa 1991 - 1994 toàn Hà Nội. Các bạn gốc Việt ở Séc kỳ công dựng hẳn một video về Hà Nội để cùng xem, cùng nhớ một thời “lên bờ Hồ ăn kem, xem tàu điện”. Hà Nội đã xóa bỏ tàu điện từ năm 1989, nhưng di sản tàu điện (chứ không phải tàu điện ngầm) vẫn là một giá trị bất biến. Còn người Lisbon đã chọn chung sống với quá khứ một cách thông minh và ngày ngày vẫn hái ra tiền nhờ những tiếng leng keng trên phố cổ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lisbon-va-xe-dien-co-so-28-599442.html