Litva sẵn sàng cho NATO triển khai vũ khí hạt nhân
Vũ khí hạt nhân của NATO có thể sẽ sớm xuất hiện trên lãnh thổ Litva sau khi được nước chủ nhà 'bật đèn xanh'.

"Litva sẵn sàng xem xét việc triển khai vũ khí hạt nhân NATO trên lãnh thổ của mình nếu như các đồng minh đưa ra những đề xuất cụ thể và đáng tin cậy".

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva - bà Dovile Sakaliene đã tuyên bố như trên trong cuộc họp báo diễn ra gần đây và thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế, bởi bước đi này nếu xảy ra sẽ dẫn tới sự phản ứng gay gắt từ Nga.

Theo bà Sakaliene, nếu thực hiện bước đi như vậy sẽ đòi hỏi phải sửa đổi luật hiện hành, bao gồm Điều 137 của Hiến pháp Litva, trực tiếp cấm triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt và căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ.

“Chúng ta phải chuẩn bị đánh giá khả năng sửa đổi điều khoản này và các nghĩa vụ khác, nếu các đối tác của Litva đưa ra kế hoạch thực sự về việc triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các thành phần của chúng”, bà Sakalene nhấn mạnh.

Chính trị gia nói trên làm rõ rằng hiện tại vẫn chưa có sáng kiến cụ thể nào từ các quốc gia đồng minh NATO, tuy nhiên Vilnius có ý định chuẩn bị nền tảng để thảo luận về vấn đề này từ sớm nhằm sẵn sàng cho mọi khả năng.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Sakalene được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực và các quốc gia Baltic nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ trước những hành động gần đây của Nga.

Bà Sakalene nhấn mạnh, Litva nỗ lực hội nhập tối đa vào hệ thống an ninh tập thể của NATO và sẵn sàng điều chỉnh luật pháp vì lợi ích chiến lược của liên minh. Theo đó, việc sửa đổi Hiến pháp là tín hiệu quan trọng cho thấy cam kết của họ đối với chính sách quốc phòng chung.

Những cuộc thảo luận về triển khai vũ khí hạt nhân ở Litva đã trở nên sôi nổi hơn sau đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tạo ra "chiếc ô hạt nhân châu Âu" để ứng phó với sự bất ổn trong chính sách của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đáng chú ý là Ba Lan - nước láng giềng của Litva, cũng bày tỏ sự sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ, như Tổng thống Andrzej Duda đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times vào tháng 2/2025.

Chưa dừng lại đây, ông Duda còn cho biết Warsaw mong muốn nhận được cả sự bảo trợ từ vũ khí hạt nhân của Pháp sau khi Nga triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại Belarus.

Theo kênh truyền hình DW, Litva hiện đang tiếp đón một lữ đoàn thiết giáp của Quân đội Đức trên lãnh thổ của mình, điều này về mặt hình thức trái ngược với Điều 137, nhưng chính quyền đang "lách luật" bằng cách gọi đó là "sự hiện diện tạm thời".

Các chuyên gia quân sự quốc tế tin rằng sáng kiến của bà Shakalene chính là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của những nước Đông Âu và Baltic nhằm tăng cường tiềm lực hạt nhân của NATO ở sườn phía Đông của khối và gây áp lực trực tiếp lên biên giới Nga.