Livestream bán hàng: Nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng
Ngày 21-7, Hội Nông dân (ND) tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng FPT Polytechnic Đồng Nai (đóng tại phường Tam Hiệp) tổ chức hoạt động livestream bán đặc sản bưởi đường lá cam giúp ND xã Tân Triều. Đây là hoạt động đầu tiên của chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng ND tỉnh Đồng Nai tham gia livestream bán hàng trực tuyến.

Phiên livestream bán đặc sản bưởi đường lá cam giúp nông dân xã Tân Triều do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng FPT Polytechnic Đồng Nai (đóng tại phường Tam Hiệp) tổ chức. Ảnh: B.Nguyên
Thời gian qua, tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ ND, doanh nghiệp (DN) trong xúc tiến thương mại; đặc biệt là tham gia bán nông sản, đặc sản trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội. Đây là kênh tiêu thụ nông sản còn rất giàu tiềm năng, giúp ND chủ động hơn về đầu ra khi tham gia được vào chuỗi phân phối nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản của nhà nông.
Kênh tiêu thụ mới nhiều tiềm năng
Với khoảng 1 giờ livestream bán đặc sản bưởi Tân Triều và trước đó sản phẩm đã được giới thiệu trên các trang mạng xã hội, phiên livestream ngày 21-7 đã bán được khoảng 2 ngàn trái bưởi cho nông dân.
Tham gia chương trình livestream bán đặc sản bưởi, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng bưởi hữu cơ Tân Triều (xã Tân Triều) Bùi Văn Tý chia sẻ, ND đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc để làm ra trái bưởi ngon. Tổ hợp tác cũng đã chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để làm ra trái bưởi an toàn. Khó khăn với ND suốt thời gian qua vẫn là câu chuyện “được mùa, mất giá”, ND mong được hỗ trợ tiếp cận các kênh bán hàng online để nông sản, đặc sản địa phương có đầu ra ổn định hơn.
Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vương Hương (xã Tân Triều) Nguyễn Minh Vương cho biết, DN đã liên kết ND hình thành vùng trồng canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tham gia làm chứng nhận OCOP 4 sao cho bưởi Tân Triều với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, đầu ra của trái bưởi ngày càng bấp bênh; đặc biệt khi bưởi thu hoạch rộ, giá bưởi thường dưới giá thành sản xuất mà tiêu thụ vẫn chậm. Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi, họ quen đặt hàng online để được giao hàng tận nhà, DN đẩy mạnh các kênh quảng bá, bán hàng trên các kênh TMĐT hoặc mạng xã hội. Tuy còn khá mới mẻ nhưng đây là kênh tiêu thụ rất hiệu quả.
Giám đốc Trường cao đẳng FPT Polytechnic Đồng Nai Trần Duy Phong cho hay, nhà trường phối hợp với Hội ND tỉnh trong triển khai chương trình hỗ trợ ND, DN livestream bán nông sản. Trong giai đoạn 1, nhà trường miễn phí hoàn toàn cả về trang thiết bị, về khâu kỹ thuật cũng như nhân lực để hỗ trợ ND bán nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh. Kênh bán hàng là của chính DN, ND để sau khi chương trình kết thúc, họ vẫn có thể tiếp tục livestream tự bán hàng trên các trang mạng xã hội của mình. Trong tương lai, nhà trường sẵn sàng đồng hành cùng ND phát triển các kênh bán hàng online này. Thực tế, sau khi được hỗ trợ, làm quen, ND hoàn toàn có thể tự tổ chức livestream bán nông sản ngay tại nhà vườn.
Thời gian qua, các cấp hội ND Đồng Nai phối hợp với các đơn vị sàn TMĐT vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, ND đưa sản phẩm lên sàn để kết nối tiêu thụ. Kết quả, gần 2 ngàn hộ ND đã có tài khoản trên sàn TMĐT; có 273 sản phẩm nông nghiệp được cập nhật trên sàn TMĐT của Sở Công thương (ecdn.vn), sàn TMĐT của Bưu điện Việt Nam (Postmart), Lazada, Tiki, Shopee...; có 138 sản phẩm nông sản được hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu.
Cơ hội để nông dân tham gia chuỗi phân phối
Thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm phát triển TMĐT, trong đó có nội dung hỗ trợ ND, DN quảng bá thương hiệu, tham gia sàn giao dịch TMĐT. Các DN, hợp tác xã, ND cũng được tạo điều kiện tham gia các chương trình tập huấn xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến, tập huấn kinh doanh online…
Thời gian qua, ngày càng nhiều sàn thương mại, chợ online bán các mặt hàng nông sản được mở ra. Hoạt động kinh doanh nông sản online dần phổ biến vì đây là kênh phân phối đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian như các kênh phân phối truyền thống. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm, ND tự livestream bán hàng là một trong những giải pháp giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu, sản xuất thực phẩm Đông Du Ký (đóng tại xã Trảng Bom) Nông Sểnh Bẩu chia sẻ, DN rất quan tâm đầu tư quảng bá, bán hàng trên các kênh TMĐT. Đây là kênh bán hàng mới rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro, rất phù hợp cho DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều kiện thuận lợi để phát triển bán hàng online là ngay cả người tiêu dùng lớn tuổi ở cả vùng thành thị và nông thôn đều dùng điện thoại thông minh, đều lướt Facebook và có tài khoản online, đã có thói quen mua hàng qua mạng.
Giám đốc Trường cao đẳng FPT Polytechnic Đồng Nai Trần Duy Phong cho biết thêm, qua thực tế triển khai cho thấy, người dân Việt Nam rất thích các sản phẩm do nhà vườn trồng và tự giới thiệu đến tận người tiêu dùng. ND đã rất giỏi trong khâu sản xuất nhưng còn yếu trong việc lan tỏa về sản phẩm hoặc xây dựng thương hiệu cho nông sản của mình.
“Qua thực tế triển khai, tôi thấy hoạt động ND livestream bán hàng đã tạo được hiệu ứng rất tốt với người tiêu dùng trên cả nước. Người dân Việt Nam hiện nay đang sử dụng các trang mạng xã hội cũng như truyền thông online rất nhiều, đó là cơ hội để ND quảng bá, bán hàng trực tuyến” - ông Trần Duy Phong chia sẻ.
Hội ND tỉnh cũng có nhiều chương trình hỗ trợ ND chuyển đổi số. Cụ thể, Hội ND tỉnh đã ký kết với Bưu điện tỉnh về chương trình phối hợp hỗ trợ ND chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025. Mục đích hỗ trợ các hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Bà Lê Thị Thu Hương, phụ trách lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hội ND tỉnh, cho hay để hỗ trợ ND tiêu thụ nông sản, Hội ND tỉnh đã kết nối nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó có hoạt động livestream bán hàng. Chương trình này tạo sự hưởng ứng rất tốt của cả ND và người tiêu dùng. Thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh hoạt động này, hỗ trợ ND tham gia vào khâu phân phối nông sản để sản phẩm có đầu ra ổn định hơn.