Livestream - 'cơn sốt' thương mại điện tử, hút lợi nhuận tiền tỉ

Livestream bán hàng trên mạng đang rất sôi động, có người thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi ngày.

Livestream thay đổi thói quen tiêu dùng

Livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) là hình thức quay video và phát trực tiếp những gì đang diễn ra trong thời gian thực (người, cảnh, sự kiện...) có thể xem qua internet thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok hay cả những trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop. Nhưng phổ biến nhất là các nền tảng livestream chuyên biệt như Bigo Live, Twitch, NimoTV, Nonolive...

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm...

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm...

Trong video livestream, tất cả người xem có thể tương tác trực tiếp với nhau thông qua nút like, biểu tượng cảm xúc, bình luận. Các nền tảng phát trực tiếp thường sử dụng khung hình tương thích với hầu hết thiết bị giúp người xem có thể theo dõi livestream bán hàng trên nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng đến PC và máy tính xách tay...

Hiện nay, hình thức livestream bán hàng đang là xu hướng mới của ngành thương mại điện tử. Thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử đã dần tăng tần suất livestream trên các nền tảng giao dịch. Tại Việt Nam, hình thức livestream bán hàng đã có mặt trên nền tảng Facebook từ rất lâu, nhưng vào cuối năm 2021 mới bắt đầu phổ biến, đặc biệt đầu năm 2022 có sự góp mặt của một sàn thương mại điện tử mới thuộc nền tảng TikTok, TikTok Shop, thì livestream như một "cơn sốt" cho việc doanh nghiệp quảng bá và mua bán sản phẩm, hàng hóa.

Theo số liệu từ Metric, nền tảng số liệu thương mại điện tử, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam đạt 85.000 tỉ đồng trong quý 2/2024. Trước đó trong quý 1, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử này đạt 71.200 tỉ đồng (chưa gồm doanh thu từ các phiên livestream). Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu trên 5 sàn ước khoảng 156.000 tỉ đồng, tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2023.

Thương mại điện tử đang tác động đến rất mạnh thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Chị Nguyễn Phương Nga (ở phố Trần Điền, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, gia đình chị thường cuối tuần sẽ đi siêu thị một lần để mua sắm thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu, khoảng 1 - 2 tháng gia đình chị sẽ đi mua sắm quần áo, giày dép cho các thành viên trong gia đình. Nhưng giờ đây, khi lướt Facebook, Shopee, TikTok và xem được những clip quảng cáo sản phẩm tạo hứng thú mua sắm khiến chị có thể mua sắm online luôn mà không cần đến các cửa hàng hay siêu thị mua trực tiếp.

"Trước khi mua hàng, tôi thường đọc review, đánh giá bình luận của người đã mua trước đó không xa. Nếu sản phẩm được đánh giá 5 sao thì nhiều khả năng sản phẩm đó có chất lượng tốt", chị Nga nói.

Một tín đồ mua sắm online khác là chị Phạm Hương Thảo sống ở đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thay vì đến các cửa hàng mua sắm, chị sẽ đặt mọi thứ qua mạng. "Hằng ngày tôi xem các video livestream bán hàng trên Facebook và tôi đọc comment của mọi người thấy ưng sản phẩm nào thì tôi nhắn tin cho shop để đặt sản phẩm đó. Chất lượng sản phẩm mình có thể kiểm soát được vì đa số các shop hiện nay sẽ cho kiểm tra hàng trước khi nhận đồ. Hơn nữa, tôi thường được giảm giá qua Shoppee nên với tôi càng dễ dàng. Tóm lại, mua sắm online với tôi rất tiện ích vì tôi không có thời gian ra ngoài mua sắm nhiều".

Có thể thấy, bán hàng livestream thay đổi thói quen mua sắm của người dân vì tiện lợi. Người tiêu dùng có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi, nhiều khi còn được miễn phí vận chuyển hoặc giảm giá. Đáng chú ý, khi mua sắm qua thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể trả hoặc đổi sản phẩm nếu không ưng ý. Nếu mua trực tiếp, khi đổi trả, người bán thường không hài lòng hoặc người mua phải trả thêm tiền.

Thu về tiền tỉ

Doanh thu của các phiên livestream là vấn đề thu hút sự quan tâm nhất khi hình thức bán hàng này đang "nóng" hơn bao giờ hết. N.P.H - một tài khoản Facebook chuyên bán hàng online với các phiên livestream thu hút đông đảo hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn đơn hàng mỗi ngày. N.P.H từng chia sẻ có phiên livestream thu thu 6 - 7 tỉ đồng. Vào tháng trước, cá nhân này gây chú ý khi công bố đạt doanh số 10 tỉ đồng sau 10 tiếng liên tục livestream.

Hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền

Hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền

N.P.H chia sẻ doanh thu hàng tỉ đồng mỗi phiên livestream kéo dài là chuyện bình thường. Trong giới bán hàng online trên mạng, có rất nhiều tài khoản cá nhân thu về hàng chục tỉ đồng. Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada... cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.

Hiện tại, các thương hiệu đang tập trung vào việc tận dụng tiếp thị trực tuyến, livestream là cách phổ biến nhất để tiếp cận người dùng. Không chỉ là một buổi phát trực tiếp đơn thuần, mà các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok…), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng. Có thể nói, livestream đang là một xu hướng mới đem lại thành công cho lĩnh vực thương mại điện tử.

Khẳng định "sức nóng" của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2 - 3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.

Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOL) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok...), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.

Thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng trực tiếp mở cửa hàng online hoặc bắt tay với các KOL để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và thông qua bán hàng livestream. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.

"Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm...", ông Hiệp nói.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/livestream-con-sot-thuong-mai-dien-tu-hut-loi-nhuan-tien-ti-222066.html