Livestream được công nhận là nghề chính thức ở Trung Quốc
Trung Quốc công bố livestream (phát trực tiếp) trở thành nghề nghiệp mới, cho thấy sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ số tại quốc gia này.
Livestream (phát trực tiếp) và chạy xe công nghệ vừa được thêm vào danh sách các ngành nghề chính thức tại Trung Quốc. Quyết định này phản ánh sức ảnh hưởng ngày càng lớn của lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật số tại xứ tỷ dân.
Khi được công nhận là nghề nghiệp chính thức, những người đảm nhiệm công việc này có đầy đủ quyền lợi, được hưởng các chính sách đãi ngộ dành cho người lao động. Đây được xem là bước tiến mới, phục vụ mục đích phát triển thị trường việc làm đa dạng của Trung Quốc, theo SCMP.
Nghề mới, người mới
Theo thông báo do Bộ Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc đăng tải, 19 nghề mới vừa được công nhận tại quốc gia này.
Danh sách trên bao gồm một số vị trí đánh chú ý như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), lập kế hoạch và vận hành các sản phẩm văn hóa, quản trị hệ thống sản xuất thông minh,...
“Việc công bố các ngành nghề mới có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển thị trường việc làm, hướng dẫn giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao tiêu chuẩn đối với người lao động, đồng thời thúc đẩy tinh thần làm việc”, đại diện Bộ Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc chia sẻ.
Danh sách này được công bố sau một thời gian tham vấn công khai từ năm ngoái. Thông báo ban đầu về các nghề bổ sung được đưa ra hồi tháng 5.
Những thay đổi này được thực hiện để đáp ứng mong muốn xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao của Trung Quốc. Quốc gia này cũng dự đoán số lượng chuyên gia lành nghề chiếm khoảng 30% tổng nhân sự vào năm 2025.
Theo Xinhua, một số ý kiến cho rằng việc công nhận các ngành nghề mới giúp những người thực hiện công việc này tự tin hơn ở nơi làm việc, đồng thời có cơ hội hưởng các chính sách đãi ngộ dành cho người lao động chính thức.
Ngành livestream bán hàng ‘phi mã’
Theo báo cáo của Hiệp hội Dịch vụ Phát thanh Truyền hình Trung Quốc, một đơn vị trực thuộc Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, đến cuối năm 2023, khoảng 15 triệu người làm việc với các vị trí, vai trò khác nhau trong lĩnh vực livestream.
Nghiên cứu hồi tháng 2 của Đại học Nhân dân Trung Quốc cũng chỉ ra rằng livestream là ngành nghề hấp dẫn đối với người lao động nhập cư và các sinh viên mới ra trường, gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm.
Các tác giả của nghiên cứu này cũng nhận thấy hoạt động bán hàng trực tuyến thông qua các kênh livestream tác động đáng kể đến thị trường việc làm tại Trung Quốc. Với mỗi 100 triệu NDT giá trị hàng hóa được bán ra, 1.100 việc làm mới tương ứng sẽ xuất hiện.
Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đối với nhóm tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên, giảm từ 14,2% hồi tháng 5 xuống 13,2% vào tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 25-29 vào tháng 6 là 6,4%, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp giảm.
Tuy nhiên, vấn đề việc làm vẫn tạo ra tình trạng căng thẳng, áp lực tại một số khu vực ở Trung Quốc.