LLVT tỉnh Sơn La trắng đêm ứng cứu đồng bào vùng lũ

Suốt đêm 24 và cả ngày 25-7, đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh dầm mình trong mưa lũ tại những khu vực bị thiệt hại nặng để hỗ trợ di chuyển người dân đến nơi an toàn; động viên, chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người chết và mất tích; trợ giúp, không để đồng bào vùng lũ bị đói khát sau trận lũ lịch sử...

Đêm đi bộ vào hỗ trợ bản Hua Pư bị cô lập

Chiều muộn ngày 24-7, trời tiếp tục đổ mưa như trút xuống xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, đúng thời điểm đoàn công tác của tỉnh Sơn La do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh cơ động đến đây. Từ vị trí này đến bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi (khu vực bị thiệt hại nặng bởi trận lũ lịch sử) còn khoảng 10 cây số, nhưng chỉ có thể đi bộ do đường bị sạt lở nghiêm trọng. Sau khi hội ý nhanh với Đại tá Bùi Văn Sơn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Thành Công quyết định cả đoàn công tác khẩn trương đi bộ vào bản Hua Pư đang bị cô lập để kịp thời trợ giúp đồng bào đang phải đối mặt với hiểm nguy, thiếu thốn do thiên tai.

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT hỗ trợ người dân phường Chiềng An, TP Sơn La (Sơn La) di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT hỗ trợ người dân phường Chiềng An, TP Sơn La (Sơn La) di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Càng về đêm, mưa càng nặng hạt, bóng tối bao trùm khắp núi rừng khiến đoàn công tác gặp khó khăn trong di chuyển khi phần lớn là đường lầy lội, trơn trượt, cây đổ ngổn ngang, suối sâu, nước chảy xiết. Phải đi hơn 4 giờ đồng hồ liên tục, đoàn mới đến bản Hua Pư, nơi được coi là tâm lũ. Thấy đoàn công tác đến, ông Vàng Chứ Sành, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hua Pư reo lên: “Bộ đội đến rồi bà con ơi! Dân bản mình được cứu rồi”.

Mặc dù trời đã về khuya nhưng ngay khi đặt chân đến bản Hua Pư, lãnh đạo tỉnh Sơn La và Bộ CHQS tỉnh đã khẩn trương nắm bắt tình hình thiệt hại; chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trao lương khô, mì tôm, nước uống đến tận tay những người dân bị thiệt hại do mưa lũ; thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và mất tích... Sau khi tạm ổn định tình hình, từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đến các chiến sĩ đều ngả lưng xuống thềm xi măng hoặc tựa vào tường và thiếp đi trong khi ngoài trời vẫn mưa như trút.

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Mai Sơn (Sơn La) tích cực tìm kiếm người mất tích do sạt lở đất.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Mai Sơn (Sơn La) tích cực tìm kiếm người mất tích do sạt lở đất.

Tiếp đó, cả ngày 25-7, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sơn La và cơ quan chức năng đã tìm được nạn nhân cuối cùng bị mất tích ở bản Hua Pư. Đồng thời, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ di chuyển các hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, nhất là các hộ có nhà bị đổ, bị lũ cuốn trôi...

Kịp thời ứng cứu bà con trong tâm lũ

Hai ngày vừa qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Sơn La (Sơn La) gần như thức trắng để cùng các lực lượng hỗ trợ hàng trăm gia đình bị ngập lụt di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn; giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Đêm 23, rạng sáng 24-7, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực ở TP Sơn La ngập sâu trong biển nước. Bản Phứa Cón, phường Chiềng An có 166 hộ/512 nhân khẩu thì có 35 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn. Theo Thượng tá Trần Xuân Lâm, Chính trị viên Ban CHQS TP Sơn La, dự báo trước tình hình, Ban CHQS TP Sơn La đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố phối hợp cùng lực lượng tại chỗ nhanh chóng di chuyển toàn bộ hộ bị ngập úng cũng như các gia đình trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Đồng chí Quàng Văn Cương, Chủ tịch UBND phường Chiềng An chia sẻ: “Mặc dù thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện đêm tối, mưa lớn nhưng các lực lượng bộ đội, dân quân, công an đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, triển khai các phương án sơ tán nhân dân rất linh hoạt, sáng tạo, vừa bảo đảm an toàn về người, vừa giữ gìn, bảo quản được tài sản cho nhân dân. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn thế này, chúng tôi càng thấu hiểu đức hy sinh, tinh thần hết mình vì dân của cán bộ, chiến sĩ LLVT”.

Là một trong số hàng trăm người dân được cán bộ, chiến sĩ LLVT kịp thời đưa ra khỏi ngôi nhà bị ngập sâu vào đêm 23-7, cựu chiến binh Hà Văn Xương (83 tuổi, thương binh hạng 2/4, trú tại bản Phứa Cón) xúc động kể: “Khi lũ ập đến, cả thành phố mất điện, trời tối đen như mực. Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già, các con, các cháu đều ở xa. Khi nước lũ ngập đến giường ngủ thì chúng tôi được các chú bộ đội bơi vào nhà, đưa lên xuồng chở đến nơi an toàn. Các chú bộ đội còn di chuyển giúp gia đình một số tài sản thiết yếu... Thật không biết phải nói sao trước tấm lòng, nghĩa cử của bộ đội”.

Tính đến 20 giờ ngày 25-7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 7 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương; 1.199 nhà bị đổ sập, sạt lở và ngập úng; nhiều công trình công cộng bị thiệt hại... Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hơn 1.400 người cùng nhiều phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai trên địa bàn, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 yêu cầu cơ quan quân sự các tỉnh trong Quân khu duy trì nghiêm các chế độ trực; chủ động tham mưu cho địa phương nắm chắc tình hình mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động xử trí tình huống. Lãnh đạo bộ CHQS các tỉnh phải trực tiếp xuống hiện trường, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/llvt-tinh-son-la-trang-dem-ung-cuu-dong-bao-vung-lu-786911