Lộ cảnh báo bom tấn từ sớm của cố vấn TT Trump về đại dịch
Cố vấn hàng đầu Nhà Trắng cuối tháng 1 đã cảnh báo chính quyền rằng dịch virus corona có thể khiến Mỹ mất hàng nghìn tỷ đô và hàng triệu người Mỹ có thể mắc bệnh hoặc tử vong.
Cảnh báo được viết trong một bản ghi chép của ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump, là báo động ở mức cao nhất được biết đến ở Nhà Trắng cho đến nay, giữa lúc chính quyền Mỹ đang thực hiện những bước đi thực chất đầu tiên để đối phó với khủng hoảng.
Cảnh báo đại dịch từ tháng 1
"Việc thiếu sự bảo vệ của hệ miễn dịch, chưa có phương pháp điều trị hay vaccine sẽ khiến người Mỹ không thể phòng vệ được trong trường hợp dịch virus corona bùng phát toàn diện trên đất Mỹ", bản ghi chép viết, theo New York Times.
"Sự thiếu bảo vệ này làm gia tăng nguy cơ virus corona phát triển thành một đại dịch toàn diện, làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người Mỹ".
Chính quyền Trump đang đối mặt với những chỉ trích vì chậm trễ và sai lầm trong phản ứng với dịch bệnh từ đầu, dẫn đến việc bỏ lỡ thời gian quý giá và đến nay Mỹ đã trở thành nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm.
Đề ngày 29/1, bản ghi chép của ông Navarro xuất hiện trong khoảng thời gian ông Trump cho rằng nguy cơ dịch bệnh đối với Mỹ là không nghiêm trọng, và sau này ông nói rằng không ai có thể đoán trước được kết quả tàn khốc như vậy.
Trong ghi chép, ông Navarro nói chính quyền phải đối mặt với sự lựa chọn về mức độ quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch bệnh, nói rằng tổn thất nhân mạng và kinh tế sẽ tương đối thấp nếu đây là bệnh cúm mùa.
Song ông cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ "xảy ra đại dịch trong trường hợp xấu nhất" không nên bị bỏ qua trước thông tin đến từ Trung Quốc. Theo kịch bản trong trường hợp xấu nhất, hơn nửa triệu người Mỹ có thể tử vong vì dịch bệnh.
Bản ghi chép của ông Navarro là bằng chứng cho thấy một số người trong hàng ngũ cao nhất của chính quyền ít nhất đã tính đến khả năng dịch bệnh trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ông Trump công khai thừa nhận khi đó, theo New York Times.
Bản ghi chép này đã được gửi từ ông Navarro đến Hội đồng An ninh Quốc gia và sau đó được chuyển đến một số quan chức trong chính quyền. Nó đã đến tay một số quan chức hàng đầu cũng như các trợ lý của ông Mick Mulvaney, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó, nhưng không rõ liệu ông Trump từng nhìn thấy hay chưa.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 11/3 tuyên bố dịch bệnh là đại dịch trong bối cảnh toàn cầu khi đó đã có hơn 100.000 người nhiễm virus, song hầu hết vẫn ở Trung Quốc.
100 triệu người có thể lây nhiễm
Bản ghi chép thứ hai của ông Navarro, đề ngày 23/2, cảnh báo về việc "ngày càng gia tăng khả năng xảy ra đại dịch Covid-19 mà đến 100 triệu người Mỹ có thể bị lây nhiễm, với thiệt hại nhân mạng lên đến 1,2 triệu người"
Khi đó, ông Trump vẫn đang xem nhẹ mối đe dọa từ virus. Chính quyền đang xem xét yêu cầu quốc hội cấp thêm ngân sách để giải quyết tình hình, và bản ghi chép thứ hai đã thúc giục khoản chi bổ sung ít nhất 3 triệu USD ngay lập tức từ quốc hội.
Bản ghi chép thứ hai dường như nhắm vào các thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Nhà Trắng do ông Trump thành lập để ứng phó với dịch bệnh, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong chính quyền về cách tiến hành và mối quan hệ bất hỏa dai dẳng giữa ông Navarro và nhiều quan chức cấp cao khác.
Một trong các nội dung trong bản ghi chép này là kêu gọi tăng ngân sách cho chính phủ để mua thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế, ước tính họ sẽ cần "ít nhất một tỷ khẩu trang" trong vòng 4 đến 6 tháng.
Chính quyền sau đó đã yêu cầu 2,5 tỷ USD ngân sách. Quốc hội cuối cùng đã phê duyệt 8 tỷ USD.
Những chỉ trích đối với việc ông Trump xử lý khủng hoảng y tế lần này, đặc biệt là trong những ngày đầu khi ông cho rằng vấn đề dịch bệnh đang được đảng Dân chủ sử dụng để ngăn cản ông tái đắc cử, có khả năng sẽ định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ông Navarro nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc. Do đó, những cảnh báo của ông về dịch bệnh có thể bị giới chức trong chính quyền Trump xem là chỉ phản ánh lo ngại của ông về hành vi của Trung Quốc, theo một số nhận định.
Trong bản ghi chép hồi tháng 1, ông Navarro nói nếu nguy cơ dịch bệnh trở thành đại dịch chỉ nhỉnh hơn 1% thôi, thì "chiến lược rõ ràng vượt trội hơn cả là lập tức áp đặt lệnh cấm đi lại với Trung Quốc".
Ông cho rằng trong kịch bản chống dịch "quyết liệt", lệnh cấm đi lại có thể phải kéo dài đến 12 tháng để đạt hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm, khoảng thời gian mà một số trợ lý Nhà Trắng cho là không khả thi.
Hạn chế đi lại sau đó được chính quyền Mỹ ban hành không cấm toàn bộ luồng di chuyển từ Trung Quốc, và nhiều người từ nước này vẫn tiếp tục đổ đến Mỹ.