Lo chất lượng thi tốt nghiệp THPT
Năm nay, nhiều địa phương tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, do đó nhiều người lo ngại, chất lượng dạy và học khác nhau giữa các địa phương, thậm chí giữa các trường học. Nhiều người kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên có phương án hỗ trợ học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Học sinh lớp 12 ở Hà Nội tới trường học trực tiếp ở giai đoạn gần cuối học kỳ I Ảnh: Trọng Tài
Áp lực thi tốt nghiệp
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT linh hoạt việc đóng - mở cổng trường với quy mô nhỏ đến từng trường, thậm chí lớp học. Với hướng dẫn cụ thể, các phường, xã có mức độ dịch ở cấp độ 1 - 2, trường học được phép mở cửa, cấp độ 3- 4, chuyển phương thức học trực tuyến. Do đó, tại nhiều địa phương, học sinh học trực tuyến trong thời gian có dịch từ 1-2 tháng, sau đó học trực tiếp. Trong khi đó, các địa phương như Hà Nội, TPHCM từ đầu năm học đến nay gần 4 tháng, đa số học sinh vẫn phải học trực tuyến, riêng học sinh lớp 12 mới quay lại trường học từ đầu hoặc giữa tháng 12. Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Một học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nói rằng, vì lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trước mắt, trung bình mỗi ngày em dành khoảng 8-10 tiếng học trực tuyến. Tuy nhiên, có những môn em không tập trung được, do đó không yên tâm với kết quả học tập. Có những bài nếu học trên lớp không hiểu, học sinh được trao đổi với giáo viên để hiểu rõ thì nay việc tương tác khó khăn hơn. Em cũng bị chứng đau đầu hành hạ sau nhiều tháng học trực tuyến nên rất lo lắng cho kết quả kỳ thi năm nay và dự định sẽ hạ mục tiêu nguyện vọng.
Nhiều học sinh lớp 12 các trường THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, học trực tuyến kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng học. Lứa học sinh lớp 12 năm nay trải qua năm thứ 3 chịu tác động của COVID-19. Gia đình lo lắng, thuê gia sư, đăng ký các khóa học trực tuyến với các trung tâm khiến thời gian học trên máy tính của các em nhiều thêm, nhưng hiệu quả không rõ. “Không thể căn cứ kết quả kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ hay định kỳ để đánh giá được kiến thức của mình vì đề kiểm tra trực tuyến cơ bản, dễ hơn những năm trước”, Nguyễn Thế Trung, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, nói.
Đề thi đảm bảo độ khó - dễ
Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, sau gần một học kỳ, học sinh lớp 12 tại Hà Nội mới được đến trường với phương thức 50% học trực tiếp, 50% học trực tuyến. Nhà trường đánh giá, chất lượng học trực tuyến chỉ đảm bảo được khoảng 60% so với học trực tiếp, chưa kể hiệu quả tập trung vào những em ngoan, có ý thức tự học; những em lơ đãng, chưa có tính kỷ luật bị tụt lại phía sau. Khi đến trường, giáo viên sẽ tập trung hướng dẫn, kèm cặp những em này, tuy nhiên mỗi tiết học chỉ có 45 phút, khó có thể quan tâm được tất cả học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ phương thức như năm ngoái. Đề thi sẽ gồm các câu hỏi chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Ông Trung cho rằng, Bộ GD&ĐT phải tính toán kỹ lưỡng đề thi làm sao vừa cơ bản nhưng cũng phải có sự phân hóa tốt hơn năm ngoái để đạt 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Năm ngoái, đề ra quá dễ, nhiều thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn không đỗ nguyện vọng đăng ký.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Thái Văn Thành, cho biết, tại địa phương, học sinh có khoảng 2 tháng học trực tuyến, sau đó đều đã được đến trường học trực tiếp. Hiện nay, ngoài dạy học theo chương trình Bộ GD&ĐT, các trường đều phân chia học sinh theo từng nhóm năng lực, nguyện vọng ngành nghề để bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả. Với chiến lược đó, năm nào học sinh Nghệ An cũng đỗ tỉ lệ cao vào các trường ĐH, học viện tốp đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với thực tế dạy học trực tuyến, trực tiếp không đồng nhất như năm nay, ông Thành cho rằng, đề thi Bộ GD&ĐT phải tính toán độ khó - dễ phù hợp để học sinh trung bình phải đỗ tốt nghiệp, học sinh giỏi, xuất sắc có “đất” thể hiện. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần tính đến cơ chế đặc thù cho học sinh các địa phương học trực tuyến kéo dài. “Học trực tuyến kéo dài cả học kỳ ảnh hưởng lớn tới chất lượng vì chỉ học được cốt lõi, phần vận dụng cao phải loại bỏ, học sinh tự nghiên cứu. Với tình trạng đó, phải chăng kỳ thi năm nay nên cộng điểm ưu tiên cho học sinh chịu tác động sâu sắc bởi dịch bệnh? Đó cũng là cách làm linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, đảm bảo công bằng cho học sinh các địa phương”, ông Thành nói.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chia sẻ sự trăn trở, sốt ruột cho chất lượng học sinh năm nay khi đã gần đi qua một học kỳ, học sinh lớp 12 mới đến trường được khoảng 2 tuần. Trong đó, cũng chỉ có 50% học trực tiếp, 50% tiếp tục học trực tuyến. Ở quận Đống Đa và một số phường, xã nâng mức độ dịch, học sinh đã phải dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-chat-luong-thi-tot-nghiep-thpt-post1401948.tpo