Lo cho dân bằng cả tấm lòng. Bài 2: Để cán bộ thôn, tổ dân phố yên tâm cống hiến
Tuy đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nhưng chế độ chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố, chưa đảm bảo cân bằng giữa trọng trách được giao và quyền lợi được hưởng. Thực tế này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm giải quyết.
Tiếp theo kỳ trước
Nỗi niềm người trong cuộc
Sau đợt lũ lịch sử tại Quảng Trị vào tháng 10/2020, các hoạt động hỗ trợ của cả nước đều hướng về những địa phương bị thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Để phân phát lượng quà cứu trợ kịp thời cho người dân, trong những ngày đó, đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố ở các địa phương nói trên phải làm việc thâm ngày, thâu đêm.

Ông Lê Văn Hai, Bí thư Chi bộ kiêm Phó trưởng thôn Thượng Xá, Hải Thượng, Hải Lăng luôn gần gũi, quan tâm đến người dân - Ảnh: L.T
Có mặt ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng để ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh tất bật của ông Lê Văn Hai, Bí thư Chi bộ kiêm Phó trưởng thôn Thượng Xá. Lúc nào ông cũng có mặt ở nhà văn hóa thôn sớm nhất để chuẩn bị trước khi phát quà cho người dân. Cuốn sổ ghi danh sách các hộ thiệt hại do mưa lũ được ông kẹp chặt bên cánh tay, điện thoại thì luôn kề bên tai. Ông chia sẻ: “Vất vả, áp lực nhất trong công việc đối với chúng tôi bây giờ là việc tiếp nhận và phân bổ quà cứu trợ. Mưa lũ thì ai cũng thiệt hại nhưng không phải mọi người đều giống nhau, xóm này có hộ mất bò, hộ mất gà, xóm kia có hộ thiệt hại lúa, ngô hay hư hỏng các thiết bị, đồ dùng gia đình… Làm sao để cân đối các phần quà hỗ trợ cho hợp lý, hợp tình là điều khiến chúng tôi phải trăn trở, suy nghĩ nhất”. Vậy nhưng không phải ai cũng hiểu được những trăn trở đó nên nhiều khi cán bộ thôn phải chịu cảnh oan ức, không biết giải bày thế nào cho dân hiểu, dân tin. Thường thì danh sách nhận quà cứu trợ sẽ ưu tiên những hộ khó khăn nhận trước, thế nhưng phần quà mà các đoàn thiện nguyện mang đến giá trị không giống nhau và thời điểm tiếp nhận cũng khác nhau, trong khi đó cán bộ thôn lại không biết trước giá trị các phần quà cứu trợ cho đến khi đoàn trực tiếp về phát cho dân. Vì thế mà có lúc đợt quà cứu trợ trước trị giá không bằng đợt quà cứu trợ sau nên xảy ra trường hợp hộ khó khăn, hộ thiệt hại nặng lại nhận quà cứu trợ giá trị thấp hơn hộ ít khó khăn. Một số người không hiểu điều đó nên nảy sinh thắc mắc, nghi ngờ cho rằng cán bộ thôn không công bằng trong phân bổ quà cứu trợ.
Cùng chung tâm trạng, áp lực khi phân bổ quà cứu trợ, ông Thái Quang Huỳnh, Chủ tịch UBMTTQVN xã kiêm Bí thư Chi bộ thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, chia sẻ: “Để hạn chế việc so sánh rồi nảy sinh mâu thuẫn, xích mích khi nhận quà hỗ trợ lũ lụt, có những ngày cán bộ thôn phải mua cơm hộp ăn tại hội trường thôn cho kịp việc lên danh sách nhận quà. Để công bằng, mỗi khi có đoàn thiện nguyện đến, ai từng nhận gì cán bộ thôn đều ghi vào sổ để có cơ sở đối chiếu xem xét từng hộ rồi cân đối bù, trừ vì có đoàn thiện nguyện cho nhu yếu phẩm, có đoàn tặng tiền và cũng có đoàn thì cả tiền lẫn nhu yếu phẩm. Chúng tôi thường đưa ra phép tính để đùa nhau rằng “100 - 1 = 0”, nghĩa là có làm tốt 100 việc nhưng một việc không trôi tròn, có điều tiếng, làm mất sự tin tưởng, tín nhiệm của Nhân dân thì kết quả cũng bằng không”. Có lẽ vì những vất vả trong công việc và nhất là những áp lực vô hình trong đợt tiếp nhận, phân bổ quà lũ lụt vừa qua mà đã có những trường hợp cán bộ thôn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh làm đơn xin nghỉ việc.
Là những người gần dân nhất, lại được dân tin tưởng bầu lên nên việc lớn, việc nhỏ dân đều tìm đến cán bộ thôn. Mất vật nuôi, báo trưởng thôn; vợ chồng cãi nhau, trưởng thôn luôn được tìm đến để “giải bày tâm sự”; nhà này xích mích nhà kia, người trong cuộc chưa kịp báo, hàng xóm đã vội nhấc máy gọi trưởng thôn. Nhưng nhiều vụ, trưởng thôn cũng đành bó tay. Ông Hoàng Đình Sơn thời còn làm Trưởng thôn Kỳ Trúc nhớ mãi chuyện “phân xử” cho hai gia đình trong thôn về việc tranh chấp đàn vịt. Đàn vịt của hai gia đình đều được nuôi trên đồng, bỗng một ngày nhà này cho rằng vịt của nhà mình đi lạc vào bầy vịt của gia đình hàng xóm và muốn đòi lại số vịt đó. Dấu hiệu nhận biết là dưới chân mỗi con vịt của gia đình ông đều có đánh dấu nhưng thời điểm kiểm tra thì không có con nào có dấu. Cho rằng vịt mình đã bị xóa dấu nên nhà mất cứ nhờ trưởng thôn giải quyết cho bằng được để đưa số vịt bị mất về đàn. Trong trường hợp này, ông chỉ biết phân tích cái lý, cái tình để người mất không tiếp tục đòi vịt khi không có chứng cứ rõ ràng, đồng thời qua đó nhắc nhở về mối quan hệ láng giềng, hàng xóm gần gũi để tránh chuyện tương tự xảy ra lần sau.
Việc nhiều, phụ cấp ít cũng là một trong những nỗi niềm của đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Lập Thạch, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà Nguyễn Thế Tôn trăn trở: “Là cán bộ không chuyên trách nhưng để điều hành quản lý được 180 hộ dân, tôi gần như bận suốt ngày, nhất là vào những lúc cao điểm như thiên tai, dịch bệnh… thì không có thời gian nghỉ ngơi hay giải quyết công việc gia đình. Theo quy định mới thì mức phụ cấp cho cán bộ thôn, khu phố có tăng lên từ trên 1,3 đến 1,56 triệu đồng/người/tháng, như tôi kiêm hai chức danh thì được hỗ trợ 2,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, so với khối lượng, áp lực công việc và mức sống hiện nay thì số tiền đó vẫn còn rất thấp. Riêng tôi có mong muốn được Nhà nước quan tâm cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố để có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân, yên tâm cống hiến cho công việc”.
Để cán bộ yên tâm cống hiến
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó trưởng Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ, tỉnh Quảng Trị hiện có 9.297 cán bộ thôn, tổ dân phố hoạt động không chuyên trách. Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/4/2019 về Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6/2019, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, khối dân phố; trưởng ban công tác mặt trận. Theo quy định trên, Quảng Trị hiện có 2.397 người được hưởng phụ cấp từ 0,9 đến 1,2 hệ số lương cơ sở tùy theo quy mô thôn, tổ dân phố. Đối với người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hằng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có). Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế ở tỉnh Quảng Trị, số lượng hội viên của các hội đoàn thể ít, mức thu hội phí thấp nên không đủ kinh phí thu từ hội phí, đoàn phí để chi trả mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn.

Cán bộ thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông trao đổi việc khắc phục hậu quả mưa lũ với lãnh đạo xã - Ảnh: L.T
Đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ này, trong điều kiện còn khó khăn nhưng tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh về Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố; quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó có 6.900 cán bộ thôn khác gồm chi hội trưởng các hội đoàn thể: Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi với mức hỗ trợ chi trả bồi dưỡng 5,5 triệu đồng/tổ chức/năm.
Thực tế hằng năm số tiền chi trả từ ngân sách để hỗ trợ phụ cấp, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách tương đối lớn, tuy nhiên tính theo thu nhập đầu người thì khoản kinh phí trên không nhiều, do số lượng đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố đông. Vì vậy, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp của tỉnh, để tiến đến nâng mức phụ cấp cho cán bộ thôn, tổ dân phố thì việc tăng cường thực hiện nhất thể hóa và bố trí kiêm nhiệm cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Một người kiêm nhiệm nhiều chức danh sẽ giảm bớt số lượng cán bộ, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn. Ông Lê Văn Thông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gio Quang, huyện Gio Linh cho hay, tính trung bình mỗi thôn có 10 cán bộ, xã Gio Quang có tới 40 cán bộ thôn. Vì thế, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng thu nhập cho cán bộ thôn bằng phương án trẻ hóa, nhất thể hóa bố và bố trí kiêm nhiệm đang được địa phương tính tới. Hiện Gio Quang đang thí điểm các mô hình trên đó là Chủ tịch UBMTTQVN xã Thái Quang Huỳnh, sinh năm 1991 được bố trí kiêm nhiệm Bí thư Chi bộ thôn Vinh Quang Thượng; với mô hình nhất thể hóa thì thực hiện Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Vinh Quang Hạ đối với ông Trần Đăng Vĩnh. Việc bố trí kiêm nhiệm bước đầu cho thấy, cán bộ sâu sát thực tế, nắm chắc công tác tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân hơn, từ đó có sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao. Tuy nhiên, một người đảm nhận cả hai chức danh thì khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, do đó đội ngũ cán bộ này cần nhiều hơn sự nhiệt tình, trách nhiệm và công tâm, khách quan trong công việc.
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, độ tuổi của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được trẻ hóa. Trong số 9.297 người có 892 người dưới 30 tuổi; 3.303 người độ tuổi từ 31- 45; 3.741 người độ tuổi 46-60; còn lại trên 60 tuổi. Đây được xem là hướng đi đúng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Minh chứng cụ thể là từ thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, một địa phương đặc biệt khó khăn của huyện nghèo đã có sự bứt phá vươn lên rõ rệt khi cán bộ thôn biết tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để xây dựng hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà cộng đồng tránh lũ và triển khai một số giống cây trồng mới mang lại sự đổi thay cho cuộc sống người dân nơi đây. Thành quả về xây dựng phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm qua cũng như dấu ấn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” phòng, chống thiên tai trong đợt mưa lũ vừa qua ở thôn Gia Giã thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, điều hành của trưởng thôn và bí thư chi bộ 8X. Chia sẻ kinh nghiệm điều hành công việc, Bí thư Chi bộ thôn Gia Giã Hồ Văn Chăn cho hay, với một địa bàn dân cư trải rộng trên 7 km, địa hình đi lại khó khăn do đồi núi chia cắt, chi bộ và thôn đã có sự điều hành phối hợp khá chặt chẽ đó là chia thôn thành 8 đội để quản lý. Chi bộ quản lý ban điều hành thôn, thôn quản lý các đội. Khi cần họp dân hoặc có việc gấp cần huy động dân thì đội trưởng các đội dân cư sẽ đến tận nhà dân kêu gọi nên việc quản lý trở nên cụ thể, rõ ràng, không một hộ dân nào bị bỏ sót. Bí thư Đảng ủy xã Hướng Hiệp Phan Xuân Liệu khẳng định: “Hai cán bộ lãnh đạo thôn Gia Giã tuổi trẻ, tiếp thu cái mới rất nhanh, lại có lợi thế là năng động, sáng tạo. Việc lớn nhỏ, 2 cán bộ đều đoàn kết, gương mẫu đi đầu và khéo léo vận động người dân chung sức, nhờ đó thôn Gia Giã ngày càng đổi mới”.
Mặc dù thôn, tổ dân phố không phải là một đơn vị hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú nhưng đây là nơi trực tiếp triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như công việc của cấp ủy, chính quyền các cấp giao, vì vậy đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố rất vất vả. Họ phải làm rất nhiều việc, từ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến người dân đến trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân, rà soát, bình xét hộ nghèo, hòa giải cơ sở hay vận động Nhân dân tham gia xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh… Vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố, theo chúng tôi cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở cần chú trọng xây dựng quy chế làm việc để có thể “lượng hóa”, xác định rõ công việc giữa cán bộ thôn, tổ dân phố với địa phương trực tiếp quản lý nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở đồng thời giảm áp lực cho cán bộ thôn, tổ dân phố. Bên cạnh chế độ chính sách, cần quan tâm công tác xây dựng và tạo nguồn cán bộ thôn, tổ dân phố; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thôn nhằm trang bị những kiến thức căn bản về vận động, tập hợp quần chúng, vấn đề dân tộc, tôn giáo, các kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở để họ có thể vận dụng vào nhiệm vụ công tác.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153755