Lo cho 'sức khỏe' của cộng đồng doanh nghiệp

Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (DN), trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh. Ảnh: V.Gia

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều biến động, “sức khỏe” của cộng đồng DN đang suy giảm, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn, nếu không có giải pháp hỗ trợ hợp lý, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% đã đề ra trong năm nay và xa hơn là phát triển 2 triệu DN trong 5 năm tới sẽ rất khó khăn.

DN rời thị trường vẫn lớn

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu lo lắng khi tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường còn cao.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024, số DN rút lui khỏi thị trường là 86,4 ngàn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 21,6 ngàn DN rút lui khỏi thị trường. Hết tháng 5, con số này tăng lên gần 97,3 ngàn DN, tăng 10,5% so với 5 tháng đầu năm 2023. Phần lớn trong số đó lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn với 66 ngàn DN, điều này cho thấy sức khỏe của cộng đồng DN đang có nhiều vấn đề.

Về điều này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phản ánh của các hiệp hội và DN chỉ ra rằng, dù một số điểm sáng như đơn hàng đang dần khôi phục, xuất khẩu tăng… nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các vấn đề gặp phải chủ yếu do đơn hàng đang phục hồi nhưng còn chậm; áp lực chi phí cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển quốc tế, giá nhập nguyên - nhiên vật liệu tăng mạnh. Bên cạnh đó, các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều quy định, điều kiện kinh doanh bền vững, đặc biệt của các thị trường lớn mà DN phải tuân thủ; các vướng mắc về quy định pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và vấn đề thực thi pháp luật cũng là những áp lực đối với DN hiện nay.

Đối với tín dụng cho DN, tính đến ngày 10-5, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ở mức 1,95% so với thời điểm đầu năm. Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, tín dụng những tháng đầu năm chậm lại do một loạt nguyên nhân như: nhu cầu tín dụng yếu, khó khăn trong triển khai các chính sách. Nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện. Việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, DN cũng giảm tương ứng. Ngành ngân hàng đang phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ.

Điều các DN cần hiện nay không chỉ là khơi thông tín dụng, khơi thông cơ chế, mà còn cần các giải pháp tổng hòa, từ tháo gỡ thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và đầu tư…

Cần các giải pháp dưỡng sức cho DN

Lo cho sức khỏe của cộng đồng DN trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động, các đại biểu Quốc hội đề xuất những biện pháp để dưỡng sức.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các DN, nhất là DN mới thành lập, DN nhỏ và vừa. Thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN, tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai để DN triển khai nhanh các dự án của mình.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), cùng với các chính sách từ Chính phủ, Nhà nước, các DN cũng cần phải chủ động xoay xở, phát huy thế mạnh của mình nhằm vượt khó và phát triển bền vững. Các DN cần quan tâm đến chuyển đổi xanh, chuyển đối số vì đây là những xu thế tất yếu trên thế giới và là tương lai của DN.

Tại Đồng Nai, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN cũng đang có nhiều khó khăn.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa) Phạm Thế Linh chia sẻ, điều quan trọng hiện nay của DN là đầu ra cho các sản phẩm. Thị trường từ năm ngoái đến năm nay chững lại. DN tốn rất nhiều kinh phí để chuẩn hóa và đáp ứng các tiêu chí phát sinh để tuân thủ các quy định pháp luật kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, công ty đang nỗ lực để xây dựng, mở rộng hệ thống, mạng lưới đại lý kinh doanh sản phẩm để có thể duy trì được sự ổn định của sản xuất.

“Chúng tôi hy vọng các giải pháp kích cầu của nền kinh tế được đẩy mạnh để hỗ trợ thị trường hồi phục, qua đó kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khi nhu cầu tăng lên, các DN sản xuất, cung ứng mặt hàng tiêu dùng mới có động lực trở lại” - ông Linh kỳ vọng.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/lo-cho-suc-khoe-cua-cong-dong-doanh-nghiep-90d4bcd/