Lỡ cho vợ ăn bạt tai vì 'mỗi việc trông con cũng không xong', ông chú day dứt suốt 40 năm
Ông Hà tự thú nhận, thời điểm đó vì quá xót con nên đã không kiềm chế được hành động. Ông nói, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông đánh vợ.
Cưới cô hàng xóm, chấp nhận ở rể
Ngày còn trẻ, ông Đỗ Ngọc Hà (hiện 69 tuổi) vào Quy Nhơn làm việc cho một công ty thương nghiệp, phải ở nhờ nhà bác. Ông Hà được bác giới thiệu cho bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - ở cách đó một nhà. Bà Tuyến xinh xắn, đẹp người đẹp nết, hiện đang làm nghề may. Vài lần đi qua, thấy bà Tuyến đang quét sân, trong lòng ông Hà đã xốn xang. Ông quyết định đến nhà bà thăm dò, giả vờ hỏi: Có nhận may đồ nam không?
Từ hôm đó, ông viện cớ qua may đồ để được gặp bà Tuyến. Thế nhưng bà không có ấn tượng gì với chàng thanh niên trẻ hay qua nhà mình, và cũng không biết tới tình cảm của ông. Ông Hà rủ bà đi chơi nhưng bị bà từ chối.
“Tôi nghĩ bụng chắc ông này có ý đồ gì đó, cứ lượn qua lượn lại suốt. Thời gian sau, ổng rủ tôi đi xem phim, mà cứ rủ hoài. Mấy anh trong tiệm may mới khuyên, cô cứ đi đi. Vậy là tôi đi”, bà Tuyến kể.
Ông Hà không nhớ nội dung về bộ phim ngày hôm đó xem là gì, chỉ thấy hồi hộp, nôn nao khi ở cạnh người trong mộng. Nhưng ông nghĩ “tấn công mạnh quá cũng không được” nên vẫn giữ khoảng cách lịch sự với bà.
Mãi đến lần 2, lần 3 hẹn hò, ông Hà mới dám ngỏ lời thương. Bà Tuyến trong lòng cũng đã ưng, 1 tháng sau cho ông nắm tay.
“Thực sự hồi đó ông mới đi bộ đội về đen thui, nhỏ nhỏ, mình không thích. Vài buổi đi xem phim về, tôi bảo thôi cứ làm bạn bè đi. Một tháng đó, ông cứ tới lui, xin phép ba má tôi đưa tôi đi uống nước. Rồi từ từ mình cũng xiêu lòng”, bà Tuyến nói.
Được sự tác hợp của gia đình hai bên, ông bà nhanh chóng tổ chức đám cưới. Thời xưa khó khăn, ông Hà chỉ làm tiệc ngọt đãi họ hàng, bạn bè. Album cưới hình trắng đen ngày đó, ông bà vẫn nâng niu, giữ gìn từng tấm ảnh.
Đám cưới xong, ông Hà ở rể, mãi 1 năm sau mới có điều kiện mua nhà. Khi ấy ông bà đã có 2 đứa con. Ông Hà phải đi công tác nhiều, chỉ có bà ở nhà vừa làm may, vừa lo giữ con.
Vợ chồng xa nhau, nhiều lúc bà cũng ghen, lo rằng ông không chung thủy. Nhưng công việc bận rộn, thêm việc chăm con cái, nhà cửa, bà càm ràm, bực bội vài câu với ông rồi lại quên khuấy đi.
“Tôi đẻ con đầu lòng, nó bệnh liên tục. Tôi phải giao tiệm nhờ trông, đưa con đi bệnh viện. Nhiều lúc cũng mệt mỏi, nghĩ mình giống như không có chồng mà tự dưng có con vậy đó. Nhưng nhìn con, tôi tự nhủ cố vượt qua”, bà Tuyến tâm sự.
Lỡ tay đánh vợ, day dứt cả đời người
Năm 1994, bà Tuyến chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp, tiếp tục phát triển nghề may, còn ông ở lại Quy Nhơn. Mỗi người một nơi, bà phải thuyết phục, ông mới đồng ý nghỉ việc, đưa con vào để ổn định cùng vợ và bắt đầu học may. Công việc may thuận lợi, ông bà liên tục nhận đơn gia công cho công ty.
Năm 2000, đôi vợ chồng dành dụm tích cóp được 60 triệu cất được ngôi nhà khang trang. “60 triệu ngày đó cỡ cũng mười mấy cây vàng đó”, ông Hà tự hào khoe về thành quả.
Có kinh tế, ông chuyển sang kinh doanh, mở đại lý bia. Tham gia nhiều công tác xã hội địa phương, ông Hà phải đi và tiếp xúc với phụ nữ khác giới. Bà Tuyến buồn tủi trong lòng. Ông Hà biết tính vợ hay ghen, nên vẫn dặn dò bà yên tâm vì hàng tháng vẫn mang lương về nhà đầy đủ.
40 năm chung sống, ông bà chưa bao giờ nặng lời với nhau. Duy chỉ có một lần, ông Hà vì quá xót con mà lỡ cho bà ăn bạt tai. Cái tát khiến ông day dứt suốt cả đời.
Con trai đầu của ông bà ốm yếu, hay bị bệnh. Khi đó, bà Tuyến ở nhà chăm con nhưng lỡ để kiến đốt vào bộ phận sinh dục của con. Ông Hà đi làm về, thấy con khóc ngặt, chỗ đó sưng tấy nên giận lắm, lỡ tát bà Tuyến và mắng “có mỗi việc trông con cũng không nên”. Sau đó ông bà đưa con vào viện kiểm tra, bác sĩ cười và đưa thuốc thoa, nói 12 tiếng sau vết sưng sẽ tự tan.
Ông Hà về thấy hối hận, vì đã lỡ động tay động chân với vợ. “Tại tôi thương nó quá, nhưng đó là lần duy nhất, 40 năm chung sống không có lần nào như vậy nữa”, ông Hà nói.
Ở tuổi 69, ông Hà hạnh phúc bên vợ và 3 đứa con hiếu thảo. Ông tự nhủ trong lòng, giờ giờ dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều cố gắng vun vén, nhường nhịn, thương yêu bà để tình cảm vợ chồng không rạn vỡ.
Nguồn: Tình trăm năm