Lo con không đỗ công lập, phụ huynh cho con học nghề
Biết khả năng của con khó vào được trường THPT công lập, nhiều phụ huynh cho con học nghề để tiết kiệm thời gian, lại nhanh có việc.
Hồ Long (16 tuổi, quận 1, TP.HCM) hiện là học sinh hệ Trung cấp, ngành Công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng nghề tại TP.HCM.
Tương tự các trường THPT công lập, Long học 6 ngày/tuần ở trường. Các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, nam sinh học chương trình bổ túc văn hóa gồm 7 môn là Toán, Ngữ Văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
“Nếu so với các bạn học theo chương trình phổ thông, em học ít hơn 5 môn. Thay vào đó, em được học thêm kiến thức về ngành Công nghệ thông tin và tiếng Anh vào mỗi buổi chiều và thứ 7”, Long nói.
Phù hợp với sức học và nguyện vọng cá nhân
Với lịch học như hiện tại, Long vừa được học văn hóa, đồng thời được học nghề ngay tại trường. Buổi tối, cậu cũng có nhiều thời gian hơn để giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình.
Long kể thời điểm này năm ngoái, khi đang học kỳ 2 của lớp 9, em và gia đình được thầy cô tư vấn nên đi học nghề sau khi tốt nghiệp bậc THCS. Tuy nhiên, chị Tám Hoa (48 tuổi, mẹ của Long) không đồng ý, dù kinh tế gia đình không quá khá giả, chị vẫn muốn con học THPT bởi “nghe có giá hơn”.
“Lúc đó, tôi cũng suy nghĩ, đắn đo lắm. Hỏi ý kiến con, con bảo muốn đi học nghề chứ không muốn học phổ thông nữa”, chị Hoa nói và cho biết sau một thời gian nghe giáo viên chủ nhiệm của con tư vấn, chị cũng nguôi nguôi và phần nào nhận ra việc học nghề sẽ tốt hơn cho con.
Theo chị Hoa, Long có sức học không nổi trội, cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập của thành phố là khá khó. Tuy vậy, cậu vẫn có thể nhập học tại các trường THPT tư thục hoặc bán công nhưng Long không muốn.
Vì vậy, chị Hoa không muốn ép con đi học vì lo rằng con bị áp lực, tự ti với bạn bè nếu không theo kịp sức học của các bạn xung quanh.
Thay vào đó, nếu đi học nghề, Long vẫn được bổ túc kiến thức văn hóa nhưng nhẹ nhàng hơn, vừa có nghề “giắt túi”, lại được Nhà nước hỗ trợ học phí. Sau khi có bằng cấp 3, Long chỉ mất thêm 1-1,5 năm học liên thông lên cao đẳng và 1,5-2 năm tiếp theo để học liên thông đại học.
Tốt nghiệp xong, em còn có cơ hội được tuyển dụng vào các công ty, doanh nghiệp liên kết với trường và có mức thu nhập khá.
Không bất chấp buộc con thi vào lớp 10 bằng mọi giá
Không chỉ gia đình Hồ Long, nhiều phụ huynh hiện này cũng đã dần thay đổi quan điểm của mình về việc cho con học nghề.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trường phòng GD&ĐT quận Bình Tân (TP.HCM) cho hay hàng năm, quận này có khoảng vài trăm học sinh lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS do một số gia đình có nguyện vọng cho con học nghề từ đầu, một số khác do sức học các em không tốt.
Hàng năm, vào thời điểm trước khi tuyển sinh, nhiều trường THCS trên địa bàn cùng phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM cùng các trường dạy nghề tư vấn nghề cho các em này.
"Các em dù học theo học tại các trường GDTX hay các trường trung cấp, cao đẳng nghề đều được học nghề song song học văn hóa", ông Tuyên nói.
Theo ông, phụ huynh không nên ép con mình thi lên lớp 10 hệ phổ thông nếu không phù hợp với nguyện vọng hay khả năng của con. Điều này dễ dẫn đến việc các em tự ti khi không theo kịp sức học của bạn bè, chán học và bỏ học sớm.
"Hiện tại, nhận thức của nhiều phụ huynh và học sinh đang dần có sự thay đổi khi không ngần ngại đăng ký học nghề thay vì buộc thi vào lớp 10 bằng mọi giá", bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cũng nhận định.
Theo thông tin từ bà Hằng, hiện quận có 22 trường THCS, trung bình khoảng 5.000 học sinh. Hàng năm, khoảng 60-70% tốt nghiệp THCS học sinh vào các trường THPT công lập, khoảng 20% vào các trường THPT tư thục và 8-10% (tương đương khoảng 300-500 học sinh) còn lại sẽ đăng ký học nghề tại các trung tâm giáo dục hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên hoặc các trường cao đẳng nghề.
Theo bà Hằng, để có kết quả trên, quận rất coi trọng việc phân luồng học sinh. Việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện ngay từ năm lớp 6. Để có cái nhìn thực tế, các trường thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm các làng nghề, nhà máy…
Ngoài ra, căn cứ vào kết quả học tập, sở trường, năng lực và nguyện vọng của học sinh cũng như điều kiện gia đình, giáo viên sẽ định hướng, tư vấn các em học nghề nếu phù hợp.
“Không phải cứ học kém là đi học nghề. Nhiều em dù sức học tốt vẫn có nguyện vọng học nghề bởi các em yêu thích và có nguyện vọng học ngành nghề đó. Song song học nghề, các em vẫn được học kiến thức văn hóa, thi tốt nghiệp THPT và có bằng cấp bình thường. Bên cạnh đó, các em lại được cấp thêm bằng trung cấp nghề hệ chính quy", bà Hằng nói.
Đánh giá thêm về ưu điểm của học nghề, trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết hiện có nhiều chính sách khuyến khích các em tốt nghiệp THCS đi học nghề như miễn học phí ở bậc trung cấp. Trong khi đó, các trường cao đẳng, trung tâm có nhiều khóa học hấp dẫn, chương trình đào tạo bài bản, các em có cơ hội việc làm ngay khi tốt nghiệp.
Cô Hoàng Thị Hồng, giáo viên tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bình Phước, cũng cho rằng hiện nay, nhiều phụ huynh cũng thay đổi quan điểm của mình. Họ hiểu khả năng của con mình nên rất ủng hộ con đi học nghề sớm để tiết kiệm thời gian, nhanh có việc làm.
“Con được học ở các trường phổ thông là mong muốn chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, khi sức học của các em không đáp ứng được, nhiều phụ huynh vẫn nhìn nhận việc học nghề là phương án tốt nhất cho tương lai của con", cô Hồng nhận định.
Năm vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bình Phước tuyển hơn 200 học sinh học bổ túc văn hóa, học nghề cho 2 ngành Kế toán và Kỹ thuật điện.
Trong đó, chương trình bổ túc văn hóa sẽ được học vào buổi sáng, do giáo viên nhà trường giảng dạy. Các buổi chiều trong tuần, học sinh sẽ được dạy nghề, nhà trường sẽ liên kết với các trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề nhằm đào tạo tốt nhất cho các em.
“Các em được học nghề miễn phí, học xong 3 năm vừa có bằng tốt nghiệp THPT, đồng thời có bằng trung cấp nghề, điều này giúp các em tiết kiệm thời gian”, cô Hồng cho rằng 2 tấm bằng này có thể giúp các em dễ dàng tìm được việc làm với thu nhập ổn định ngay sau khi tốt nghiệp.