Lộ diện Carmel - xe chiến đấu tương lai của Israel
Bằng việc tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất, các chiến xa Carmel của Israel được cho sẽ 'cách mạng hóa' chiến trường.
Chương trình chế tạo xe thiết giáp chiến đấu tương lai Carmel
Chương trình Carmel được triển khai từ năm 2016, là chương trình phát triển công nghệ của quân đội Israel nhằm mục đích chế tạo xe thiết giáp nhỏ gọn, linh hoạt, hiệu quả chiến đấu cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, dễ điều khiển và chi phí tương đối thấp.Mục đích then chốt của chương trình là phát triển công nghệ cần thiết cho xe thiết giáp tương lai, đảm bảo ưu thế tác chiến nhờ sự vượt trội về công nghệ.
Với phương châm đột phá dựa trên cơ sở các công nghệ tiên tiến, chương trình không phát triển một phương tiện lẻ, mà tạo ra một khung gầm thiết giáp đa dụng kiểu như Armata của Nga, để từ đó, phát triển nhiều dòng xe chiến đấu khác nhau.Chương trình tập trung vào tích hợp tính độc lập cao trong khả năng thực hiện nhiệm vụ, tự động hóa điều khiển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo... cho các xe thiết giáp chiến đấu tương lai với khả năng sống sót cao, đơn giản trong bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa...
Các các module Carmel được cho là có thể ứng dụng cho các mẫu xe mà Israel đang sở hữu, cả có người lái và không người lái. Carmel có thể lựa chọn hệ thống lái và nhận dạng mục tiêu tự động nhờ hệ thống cảm biến và camera dày dặc. Kíp xe sẽ chỉ gồm hai quân nhân và các nhiệm vụ họ phải giải quyết sẽ được hạn chế đến mức tối đa - chỉ phải đưa ra quyết định, còn lại, hệ thống thực hiện tự động. Trong trường hợp cần thiết, xe cũng có thể được lắp thêm cabin mở rộng dành cho thành viên thứ 3 - thường là người chỉ huy đơn vị.
Hai điểm đặc biệt của Carmel là kíp xe chỉ có 2 người và đặc biệt hơn là lái xe là robot có trí tuệ nhân tạo, hầu hết các hệ thống của xe làm việc ở chế độ tự động. Robot sẽ điều khiển xạ kích theo chỉ thị của thành viên xe, tìm kiếm mục tiêu, đưa ra quyết định chiến thuật tối ưu - chọn mục tiêu ưu tiên để tiêu diệt trước - tùy thuộc vào điều kiện luôn thay đổi của chiến trường. Từ các bài học tác chiến trong ngõ phố và thung lũng chật hẹp ở Dải Gaza, Camel nặng 35 tấn được thiết kế cho cả hoạt động chiến đấu giáp lá cà và đô thị, và “vô hình” trước radar của kẻ thù.
Nó cũng được trang bị máy bay chiến thuật không người lái để trinh sát và thu thập thông tin tình báo, cũng như tăng cường khả năng tấn công. Nhờ được trang bị động cơ hybrid (lai giữa đốt trong và động cơ điện), hệ thống bảo vệ chủ động Trophy-A, súng máy, pháo và các tổ hợp tên lửa chống tăng tối tân, Carmel trở thành cỗ xe chiến đấu có sức mạnh công thủ toàn diện hàng đầu, có thể tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện đô thị hay trên chiến trường trống trải.
Lộ diện xe chiến đấu tương lai của Israel
Hôm 4/8/2019, Israel đã “trình làng” xe thiết giáp chiến đấu thế hệ mới thuộc Chương trình Carmel với các tính năng vượt trội, được mệnh danh xe chiến đấu tương lai, thậm chí là "tiêm kích F-35 mặt đất”, sẽ “cách mạng hóa” chiến trường…, do Cục Quản lý Phát triển Cơ sở hạ tầng Vũ khí và Công nghệ (MAFAT) cùng các tập đoàn Israel Aerospace Industrie (IAI), Rafael Advanced Defense Systems và Elbit Systems hợp tác phát triển. Theo Bộ quốc phòng Isarel, các loại phương tiện mới này "nhanh nhẹn, hiệu quả, sáng tạo, nhỏ gọn và dễ thao tác", được coi là “bước nhảy vọt về công nghệ” so với các dòng xe tăng, xe chiến đấu hiện có của quân đội Israel.
Nguyên mẫu do Tập đoàn Elbit Systems phát triển được trang bị màn hình hiển thị dữ liệu gắn trên mũ bảo hiểm nhìn xuyên thấu (Helmet Mounted Display - HMD) tương tự như mũ lái của phi công tiêm kích F-35. Chiến xa được tích hợp các công nghệ tự động hóa cao, trí tuệ nhân tạo (AI), có thể ra quyết định nhanh chóng và tấn công chính xác mục tiêu.
Với màn hình gắn HMD, kíp xe 2 người, phối hợp với hệ thống phòng thủ chủ động, chiến xa này có khả năng hoạt động như một đơn vị tấn công độc lập hỏa lực mạnh, trạm kết nối mạng lưới các cảm biến đa thông tin và tổng hợp thông tin - nền tảng cơ bản để phát triển các hệ thống chiến đấu không người lái.
Được tích hợp công nghệ AI, giải pháp của Rafael với thiết kế buồng lái trong suốt, được điểu khiển bởi các màn hình cảm ứng cỡ lớn, cho phép kíp xe 2 người có tầm quan sát 360 độ, sử dụng hình ảnh thực tế tăng cường thông tin và dữ liệu chiến trường thời gian thực. Thông tin được cung cấp tăng cường bao gồm mục tiêu, lực lượng quân ta và các mục tiêu cần quan tâm, hệ thống hỗ trợ nhiệm vụ độc lập cho phép lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, điều khiển xe và vận hành đồng thời tất cả các hệ thống vũ khí, thiết bị một cách hiệu quả và chính xác trên nền tảng AI.
IAI phát triển nguyên mẫu dựa trên hàng loạt các hệ thống tự động hóa và các robot công cụ của công ty đang được sử dụng rộng rãi ở Israel và trên thế giới.Xe thiết giáp do IAI đề xuất bao gồm màn hình toàn cảnh, màn hình điều khiển riêng và bộ điều khiển tương tự như thiết bị chơi game hoặc điều khiển Xbox. Các thiết bị tự động hóa trong xe được điều hành bởi một hệ thống tự động hóa trung tâm, hỗ trợ kíp xe xử lý thông tin, tập trung vào các mối đe dọa quan trọng và đề xuất các quyết định theo thời gian thực.Cấu trúc hệ thống này dựa trên công nghệ AI phát hiện các mối đe dọa, ngắm mục tiêu và sử dụng hiệu quả hệ thống vũ khí, tự động lái xe trên các địa hình khác nhau.
Tờ Times of Israel tiết lộ hệ thống điều khiển trên Carmel rất giống với các công nghệ áp dụng cho máy bay F-35. Các hệ thống thông tin liên lạc cũng dùng chung chuẩn với mẫu tiêm kích hiện đại này, phục vụ cho các hoạt động tác chiến chung. Carmel có hệ thống pháo bắn nhanh và tên lửa phòng không tầm ngắn, có thể theo dõi vài mục tiêu và khai hỏa vào các mục tiêu này ở khoảng cách 2-3km.
Ngoài các nguyên mẫu đã nêu, đang thực hiện một chương trình mật về phát triển các giải pháp công nghệ. Các phương tiện chiến đấu tương lai sẽ được trang bị động cơ lai, hệ thống phòng thủ không gian mạng, khả năng chủ động ngụy trang và chống tên lửa có điều khiển, radar đa nhiệm, hệ thống xác định địch - ta trên chiến trường... Các công nghệ mới đã đạt đến giai đoạn hoàn thiện, có thể tích hợp trên các xe thiết giáp đang phát triển và sẽ được sản xuất.
Hiện chưa rõ bao giờ các chiến xa trên được hoàn thiện và chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, hướng đi và kết quả của chương trình được đánh giá là rất khả quan, phù hợp với yêu cầu của một loại phương tiện chiến đấu mới trong tương lai. Thậm chí, Israel cũng hoàn toàn có thể tích hợp các hệ thống điều khiển từ xa để biến chúng thành phương tiện tự hành không người lái một cách dễ dàng khi cần.