Lộ diện loài quái thú 6 sừng ở Mỹ, nặng tới 5 tấn

Hộp sọ gây kinh hãi của loài quái thú 78 triệu tuổi mang tên Lokiceratops rangiformis được phát hiện gần biên giới Mỹ - Canada.

Theo Live Science, cái tên Lokiceratops rangiformis lấy ý tưởng từ tên của thần Loki trong thần thoại Bắc Âu - người đội một chiếc mũ có cặp sừng giống như cặp sừng lớn nhất của loài quái thú này khi xuất hiện trong các bộ phim của Marvel.

Chân dung loài quái thú mới khi còn sống, vào kỷ Phấn Trắng - Ảnh: BẢO TÀNG TIẾN HÓA

Chân dung loài quái thú mới khi còn sống, vào kỷ Phấn Trắng - Ảnh: BẢO TÀNG TIẾN HÓA

Hộp sọ hóa thạch của quái thú đã được tìm thấy tại thành hệ sông Judith ở Công viên quốc gia Badlands, phần thuộc bang Montana - Mỹ, cách biên giới với Canada chỉ 3,2 km.

Theo các kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PeerJ, đây là một loài chưa từng biết của nhánh khủng long Ceratopsia.

Các Ceratopsia có sừng và ăn cỏ, trong đó Triceratops - tức khủng long ba sừng, tam giác long - là nhóm nổi tiếng nhất.

Hộp sọ đáng sợ của Lokiceratops rangiformis - Ảnh: BẢO TÀNG TIẾN HÓA

Hộp sọ đáng sợ của Lokiceratops rangiformis - Ảnh: BẢO TÀNG TIẾN HÓA

Bạn có thể tưởng tượng loài quái thú mới Lokiceratops rangiformis là một phiên bản khủng khiếp của tam giác long.

Hộp sọ hóa thạch cũng giúp tính toán thân hình con quái thú dài tới 6,7 m và nặng đến 5 tấn.

Đặc biệt nhất, đồng tác giả Joseph Sertich từ Đại học bang Colorado (Mỹ) mô tả rằng con vật đã "đẩy giới hạn của chiếc mũ đội đầu kỳ lạ của loài Ceratopsia đến mức cực đoan".

Ngoài một cặp sừng dài kiểu thần Loki trên đỉnh đầu, một cặp khác hai bên má, nó còn sở hữu cặp sừng thứ 3 ngự trên chóp của cấu trúc dạng diềm xếp nếp khổng lồ quanh đầu mà các Ceratopsia sở hữu.

Cặp sừng thứ 3 này ngắn hơn cặp sừng Loki nhưng dày hơn, khiến nó có tên là rangiformis, có nghĩa là "trông giống tuần lộc".

Tuy dư ra đến 2 cặp sừng so với tam giác long, nhưng loài này lại thiếu chiếc sừng ở mũi, là đặc điểm mà các Ceratopsia đã biết đều có.

Với niên đại 78 triệu tuổi, quái thú này sống vào thời điểm khoảng 12 triệu năm trước khi Triceratops xuất hiện. Cả hai thời điểm đều thuộc kỷ Phấn Trắng.

Vào thời kỳ đó, Bắc Mỹ ngày nay là một lục địa đảo lớn, được gọi là Laramidia. Các loài mới được xác định có khả năng sinh sống ở các đầm lầy và vùng đồng bằng ngập nước dọc theo bờ biển phía Đông của vùng đất cổ xưa này.

Loài quái thú mới là loài Ceratopsia thứ tư và loài khủng long có sừng thứ năm cùng thời kỳ được khai quật ở Laramidia.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-dien-loai-quai-thu-6-sung-o-my-nang-toi-5-tan-196240622065003646.htm