Lộ diện trung tâm chiến lược mới của Nga ở châu Phi

Theo báo cáo mới nhất từ tổ chức nghiên cứu rủi ro địa chính trị Special Eurasia, Nga đang đẩy mạnh hiện diện quân sự tại Libya, tập trung vào căn cứ không quân Maaten Al Sarra gần biên giới Chad và Sudan.

Binh sỹ Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sỹ Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga đang tăng cường sự hiện diện tại châu Phi với tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên châu lục này. Tuy nhiên, việc bị hạn chế tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân tại Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad hồi cuối năm ngoái là một tổn thất lớn đối với chiến lược dài hạn của Moskva.

Các căn cứ của Nga tại Latakia và Tartus từng là trung tâm hậu cần quan trọng, đóng vai trò là điểm trung chuyển thiết bị và nhân sự tới các khu vực xung đột tại châu Phi, nơi Nga đang can dự.

Theo báo cáo mới nhất từ tổ chức nghiên cứu rủi ro địa chính trị Special Eurasia, Nga đang đẩy mạnh hiện diện quân sự tại Libya, tập trung vào căn cứ không quân Maaten Al Sarra gần biên giới Chad và Sudan.

Báo cáo cho biết, Moskva đang hiện đại hóa căn cứ này và tận dụng quan hệ với các phe phái chủ chốt tại Libya, đặc biệt là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Nhiều khả năng, căn cứ này sẽ trở thành trung tâm hậu cần cho các chiến dịch quân sự của Nga tại Mali, Burkina Faso và có thể là Sudan.

Nga coi châu Phi là một khu vực cạnh tranh chiến lược quan trọng, trong khi Mỹ gần như bỏ ngỏ châu lục này, để Nga và Trung Quốc tự do mở rộng ảnh hưởng.

Chiến lược châu Phi của Nga

Tàu chống ngầm cỡ lớn Severomorsk của hải quân Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu chống ngầm cỡ lớn Severomorsk của hải quân Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2023, sĩ quan Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Jack Duffield từng dự báo rằng trong vòng 10 năm tới, khu vực Sahel sẽ đối mặt với nguy cơ khủng bố ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Để đối phó với mối đe dọa này, cần có sự hiện diện thường trực trong khu vực và các biện pháp can thiệp tập trung. Sahel bao gồm các quốc gia như Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Chad, Sudan, Eritrea, những điểm nóng xung đột tiềm tàng.

Không chỉ muốn tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng tại châu Phi, Nga còn muốn kiểm soát các mối đe dọa khủng bố gia tăng từ khu vực Sahel. Chính vì vậy, một chiến dịch quân sự quy mô lớn do Nga hậu thuẫn tại Libya đang được triển khai nhằm củng cố chỗ đứng lâu dài của Moskva tại đây.

Cùng lúc đó, chính quyền Sudan đã tuyên bố không có rào cản nào đối với kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên của Nga tại châu Phi, nằm gần cảng Sudan trên Biển Đỏ.

Bằng cách củng cố quyền kiểm soát tại Libya và thiết lập căn cứ hải quân lớn tại Sudan, Nga đang từng bước mở rộng ảnh hưởng trên toàn châu Phi.

Libya và Sudan – trọng tâm trong chiến lược của Nga

Tuy nhiên, bất kỳ sự hiện diện hải quân nào của Nga tại Libya sẽ phụ thuộc vào thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có lực lượng hải quân mạnh nhất trong khu vực. Dù vậy, Moskva vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình ngay cả khi Ankara tìm cách cản trở.

Ngoài ra, với việc Nga tái kích hoạt tàu chiến hạng nặng lớp Kirov, được ví như một "xe tải tên lửa khổng lồ" trên biển, Moskva có thể triển khai tàu này ngoài khơi Libya để áp đặt sức mạnh của mình lên quốc gia đang bị chia rẽ này.

Nga đang tiến vào châu Phi với tốc độ chóng mặt và Libya chính là trung tâm trong chiến lược đó. Việc gia tăng hiện diện quân sự tại Libya là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của quốc gia này đối với Nga, cũng như mong mở rộng quyền lực của Moskva trong bối cảnh phương Tây vẫn đang loay hoay tìm cách kiềm chế Kremlin.

Libya hiện bị tàn phá nặng nề bởi tình trạng bất ổn chính trị và an ninh kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi vào năm 2011. Quốc gia giàu tài nguyên năng lượng ở Bắc Phi bị chia rẽ giữa chính quyền được Liên hợp quốc công nhận tại thủ đô Tripoli và chính quyền ở miền Đông do lực lượng của tướng Haftar hậu thuẫn.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo nationalinterest)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/lo-dien-trung-tam-chien-luoc-moi-cua-nga-o-chau-phi-20250221210032437.htm