Lo giá thuốc cao vì qua nhiều nấc trung gian

Theo tờ trình, dự án đường sắt cao tốc sẽ khởi công vào năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035

Ngày 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) thảo luận dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Nhiều nấc trung gian

Về quản lý giá thuốc, đại biểu (ĐB) Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc quy định, có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

Dẫn ví dụ cụ thể, ĐB này cho biết trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ thì "đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao".

ĐB Nhị Hà đánh giá thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri rất mong muốn giá thuốc phải quản lý rất đặc thù theo các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo hầu hết lại quy định tuân theo Luật Giá.

Còn theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM), sẽ rất khó giải quyết được tận gốc của vấn đề, bởi dự thảo mới đề cập ở "phần ngọn". Cấp số đăng ký vẫn chỉ trên hồ sơ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi Việt Nam như một vùng trũng của thế giới mà "nước nào cũng có thể xuất khẩu thuốc vào". Các số đăng ký trong nước trùng lặp rất nhiều, có 800 hoạt chất mà tới 22.000 số đăng ký là quá nhiều nếu so với các quốc gia khác. Vì vậy, phải hạn chế số đăng ký để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh hơn, bớt tiêu cực hơn "chứ không phải chỉ đưa ra những cam kết về cải cách hành chính".

Bà Lan nhận xét chúng ta vẫn thiếu những định hướng về quản lý "các tầng, nấc trung gian". Muốn quản lý giá thuốc nhưng không quy định được 1 viên thuốc đó được quyền qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỉ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu? Chúng ta không chỉ trông cậy vào việc người ta tự kê khai. Khi chưa định hướng quản lý được hệ thống phân phối này thì tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn có thể xảy ra.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề nghị Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề nghị Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội Ảnh: TTXVN

Nguy cơ từ bán thuốc online

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), bán thuốc online hiện gây nguy hại cho sức khỏe và những sản phẩm quảng cáo không phải là thuốc cũng gây bức xúc rất lớn.

"Chúng ta cấm không được, mà cần phải quy định chặt chẽ việc này" - ông Hiếu nói, đồng thời đề nghị những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện rất nhiều "thuốc xách tay" như thực phẩm chức năng mang về bán online. Thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần bảo đảm tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cũng đề nghị Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo. Những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Có như vậy mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết dự thảo chỉ cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử chứ "không phải mở tung cho tất cả loại thuốc".

Về giá thuốc, Bộ trưởng Y tế khẳng định thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc là rất quan trọng. Thực tế Luật Dược năm 2016 đã quy định quản lý giá thuốc bán buôn và Luật Giá năm 2023 với rất nhiều quy định mới về quản lý giá, trong đó đã quy định các biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến. Thực tế triển khai cho thấy thực hiện rất có hiệu quả, tránh tăng giá đột biến trên thị trường.

Đầu tư công cho đường sắt cao tốc

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng vừa có tờ trình QH phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam (gọi tắt là Dự án). Dự án có điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), dài khoảng 1.541 km, hình thức đầu tư công.

Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án ĐSTĐC đã, đang triển khai trên thế giới, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 1,7 triệu tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD). Trong đó ước tính chi phí bồi thường, tái định cư khoảng 5,9 tỉ USD; chi phí xây dựng khoảng 33,25 tỉ USD; chi phí thiết bị khoảng 11,03 tỉ USD; chi phí quản lý dự án khoảng 0,8 tỉ USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng khoảng 3,61 tỉ USD; chi phí khác khoảng 0,9 tỉ USD; chi phí dự phòng (gồm lãi vay) khoảng 11,85 tỉ USD.

Trên cơ sở các phân tích về công năng, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên, kiến nghị quy mô đầu tư như sau: xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km - là mức trung bình so với một số tuyến ĐSTĐC trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.

Về tiến độ, dự án trình QH phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Hoàn thành lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật tổng thể vào năm 2025 - 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công năm 2027. Phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Dự kiến nguồn vốn ngân sách bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khoảng 12 năm, bình quân khoảng 5,6 tỉ USD/năm. Trong quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp.

Ngày 23-10, QH nghe tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027.

Theo Chính phủ, năm 2025, dự toán chi và phân bổ ngân sách được bố trí dựa vào một số nguyên tắc cơ bản, ưu tiên quan trọng nhất là chi đầu tư phát triển. Việc chi thường xuyên phải triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và chính trị quan trọng. Chính phủ trình QH năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công, lương hưu và trợ cấp ưu đãi với người có công.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-gia-thuoc-cao-vi-qua-nhieu-nac-trung-gian-196241022214437923.htm