Lỗ hổng quản lý tạo cơ hội hàng giả len lỏi vào thị trường
Chính sự buông lỏng và thiếu quyết liệt đã khiến hàng giả, hàng kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào thị trường, đẩy rủi ro sang phía người tiêu dùng.

Các đối tượng đã đưa hàng giả len lỏi vào cả kênh truyền thống lẫn hiện đại, xuất hiện trong đơn thuốc và những người nổi tiếng quảng bá.
Hơn 34.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ từ đầu năm đến nay là con số đáng chú ý tại cuộc họp của Thủ tướng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Các đối tượng đã đưa hàng giả len lỏi vào cả kênh truyền thống lẫn hiện đại, xuất hiện trong đơn thuốc và những người nổi tiếng quảng bá.
Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra phân tích, trong đó thể chế còn lạc hậu so với tình hình, thậm chí có sự buông lỏng quản lý... đã tạo kẽ hở lớn từ kiểm soát sản phẩm, quảng cáo cho đến hậu kiểm và xử lý vi phạm. Người chịu thiệt hại đầu tiên và lớn nhất chính là người tiêu dùng.
Chỉ sau một lần phẫu thuật, bà Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được bác sĩ kê đơn một loại sữa hỗ trợ phục hồi với giá gần 1 triệu đồng mỗi hộp. Tin tưởng vào đơn thuốc, gia đình bà mua đủ liệu trình, mong người bệnh sớm hồi phục.
Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, tên loại sữa trên lại nằm trong danh sách hàng giả vừa bị Bộ Công an triệt phá, do một doanh nghiệp sản xuất và phân phối bất hợp pháp.
"Khi đi bệnh viện được bác sĩ kê đơn, bất cứ gì cũng cần phải mua, lúc nào tâm lý khi đến bệnh viện là như vậy. Do đó tôi thấy việc này cần xem lại", bà Vũ Thị Hương Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ bà Lan, hàng nghìn người tiêu dùng khác cũng có thể đang sử dụng những sản phẩm chưa từng được kiểm định chất lượng. Nhiều mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe hiện chỉ cần tự công bố tiêu chuẩn, không qua thẩm định hay kiểm nghiệm trước khi lưu hành.
Đáng nói, lực lượng thực thi từ hậu kiểm sản phẩm đến xử lý vi phạm nhiều khi chưa thực hiện đầy đủ vai trò của mình. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn chồng chéo, thiếu trách nhiệm trong giám sát. Chính sự buông lỏng và thiếu quyết liệt ấy đã khiến hàng giả, hàng kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào thị trường, đẩy rủi ro sang phía người tiêu dùng.
"Công tác chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở không thống nhất, không liên thông nên khi xảy ra sự cố, ngộ độc thực phẩm thì vấn đề quy trách nhiệm rất khó khăn", Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an) nhận định
"Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Khi chuyển sang hậu kiểm, bắt buộc hành vi vi phạm và mức độ vi phạm gắn với chế tài xử lý phải song hành", ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho hay.
Luật Quảng cáo hiện hành cũng chưa bắt kịp thực tiễn của môi trường số. Nhiều hình thức quảng bá sản phẩm qua TikTok, fanpage cá nhân hay livestream của người nổi tiếng chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới việc chia sẻ sai sự thật.
Muốn bảo vệ người tiêu dùng một cách thực chất, không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm, mà cần bắt đầu từ hệ thống pháp luật. Chỉ khi hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rõ ràng và theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, niềm tin người tiêu dùng mới được khôi phục và thị trường mới thực sự được làm sạch từ gốc.